|
|
Chanh tươi tốt cho sức khỏe nhưng không chữa được ung thư. (Ảnh minh họa) |
Cô Lý, người Trung Quốc, được chẩn đoán mắc ung thư vú và được chỉ định tiến hành hóa trị. Tuy nhiên, sau đó, bạn của cô nói rằng không cần phải điều trị hóa trị, chỉ cần uống nước chanh cũng có thể giúp chống lại tế bào ung thư, vì chanh có thể tiêu diệt 12 loại ung thư, mạnh hơn hóa trị nhiều lần. Bán tín bán nghi, cô tới hỏi bác sĩ nhưng sau đó còn bị bác sĩ chỉ trích là tin vào chuyện hoang đường.
Vậy chanh có chống ung thư thật không?
Quả thực, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vỏ chanh có thể có đặc tính chống ung thư. Trong một nghiên cứu của Mỹ nhận thấy lượng chất chống oxy hóa flavonoid trong vỏ chanh có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, còn vitamin C thúc đẩy sự phát triển của các tế bào bạch cầu, giúp loại bỏ các tế bào ung thư bị đột biến. Hợp chất D-limonene trong vỏ chanh cũng có đặc tính chống ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày.
Tuy nhiên đây chỉ là nghiên cứu trên chuột, chưa có bằng chứng đẩy đủ chứng minh khả năng chống ung thư của chanh trên con người.
Bác sĩ Trần tại Bệnh viện Ung bướu Phúc Kiến, Trung Quốc chỉ ra, chanh là một loại trái cây thông thường, không có tác dụng thần kỳ, cũng không phải là một loại thuốc có thể giúp điều trị ung thư, uống nước chanh không thể thay thế hóa trị liệu. Các loại thuốc được sử dụng trong quá trình hóa trị chỉ được đưa ra thị trường sau nhiều năm thử nghiệm lâm sàng và có đầy đủ dữ liệu về tính hiệu quả.
Học viện Khoa học Trung Quốc cũng đã tiến hành các nghiên cứu và chỉ ra rằng việc nói chanh có khả năng chống ung thư là thần thánh hóa loại quả này. Đến nay, chưa có nghiên cứu nào so sánh tác dụng chống ung thư của chanh và hóa trị, mặc dù nhiều tài liệu đã báo cáo rằng chanh có chứa nhiều chất sinh học, như các thành phần monoterpenes, coumarin... có tác dụng chống oxy hóa và chống ung thư nhất định. Dù vậy, hầu hết các nghiên cứu chỉ ở giai đoạn thí nghiệm ở cấp độ tế bào hoặc động vật, chưa được thực hiện trên người, chưa xác định được liều lượng hiệu quả và tác dụng phụ, do vậy vẫn cần nghiên cứu sâu hơn.
Một số quan điểm cho rằng nước chanh có tính kiềm, có thể điều chỉnh sự mất cân bằng axit-bazơ trong cơ thể, giúp trị ung thư. Tuy nhiên, quan điểm này được cho là không chính xác. Trên thực tế, hệ thống cân bằng axit-bazơ trong cơ thể rất phức tạp, hầu như không bị ảnh hưởng và thay đổi bởi thức ăn. Vì vậy, ngay cả việc uống nhiều nước chanh cũng không thể thay đổi độ pH trong cơ thể con người, chưa nói đến việc dựa vào nước chanh để chống lại bệnh ung thư.
Điều gì xảy ra khi bạn uống nước chanh thường xuyên?
Nhiều người thấy nhạt miệng khi uống nước đun sôi, do đó cho thêm vài lát chanh vào, giúp nước không chỉ ngon mà còn bổ sung dinh dưỡng.
Nước quả của chanh rất giàu axit trái cây, trong đó tỷ lệ axit citric là cao nhất, có thể vượt quá 5%. Lớp ngoài của vỏ chanh chứa nhiều thành phần tinh dầu, trong đó 90% là limonene, 5% là citral, ngoài ra còn có một lượng nhỏ este và andehit.
Lớp vỏ mỏng màu trắng bên trong của vỏ chanh không chứa tinh dầu nhưng cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm các dẫn xuất của coumarin và picroflavonoid. Ngoài ra, chanh cũng rất giàu vitamin C cũng như nhiều chất chống oxy hóa thực vật, chẳng hạn như axit folic, limonoid, carotene và flavonoid.
Uống nước chanh đều đặn và theo lượng hợp lý sẽ tốt cho sức khỏe. Theo Viện Y tế Quốc gia của Mỹ, nước ép từ một quả chanh chứa khoảng 30mg vitamin C, tương đương khoảng 33% lượng khuyến nghị hàng ngày (RDA) cho nam giới và 40% RDA cho nữ giới. Vitamin C giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch, cải thiện hấp thu sắt và giúp cơ thể chữa lành vết thương hiệu quả hơn.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, nước chanh rất tốt nếu bạn muốn giảm cân. Thay vì uống đồ uống có ga hay các đồ uống nhiều đường, uống nước chanh giúp bạn giảm cân lành mạnh. Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ chỉ ra việc thay thế đồ uống có hàm lượng calo cao bằng nước hoặc đồ uống không có calo giúp giảm cân trung bình 2- 2,5% sau 6 tháng.
Nước chanh còn giúp giảm nguy cơ sỏi thận, do nước chanh cung cấp lượng citrate trong nước tiểu, ngăn chặn hình thành sỏi thận, theo nghiên cứu từ Đại học Y Case Western Reserve, Mỹ.
Tuy nhiên, nếu bạn uống nước chanh thường xuyên, lại uống không đúng cách sẽ dễ rước họa vào thân. Việc uống nhiều nước chanh kích thích chứng ợ nóng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Một số người cho rằng nước chanh có tác dụng làm trắng da, nhưng thực tế mỗi quả chanh có khoảng 20mg vitamin C, sau khi pha vào nước, lượng vitamin C bị pha loãng đáng kể. Do đó, khi được nạp vào cơ thể, lượng vitamin C không thể đủ để hỗ trợ bạn làm trắng da. Vì thế, đừng lạm dụng nước chanh để làm trắng da.
Uống nước chanh thế nào để tốt cho sức khỏe?
Nên uống chanh tươi
Thành phần tinh dầu và hàm lượng vitamin C của chanh tươi cao hơn chanh ngâm. Do đó, nên uống nước chanh tươi. Khi pha nước chanh, nên cắt chanh tươi cả vỏ vì vỏ chanh chứa nhiều flavonoid (như hesperidin và naringin) và các thành phần tốt cho sức khỏe như tinh dầu chanh.
|
|
Uống nước chanh đúng cách có lợi cho thể trạng. (Ảnh minh họa). |
Nên dùng nhiệt độ nước phù hợp
Nên dùng nước ở nhiệt độ 60-70°C để pha nước chanh. Nhiệt độ này là phù hợp, không lạnh và không quá nóng. Thêm vào đó, vitamin C có khả năng chịu nhiệt tốt hơn nên bạn không lo nước chanh bị mất chất.
Đừng pha quá nhiều chanh tươi
Trong trường hợp bình thường, 1 lít nước chỉ cần cho một quả chanh nguyên vỏ. Nếu vị chanh chua nặng, bạn có thể thêm một ít mật ong hoặc đường để nước chanh thơm ngon hơn, nhưng đừng cho quá nhiều, nếu không nước chanh lành mạnh sẽ biến thành nước đường, gây hại cho sức khỏe, khiến cơ thể thừa calo, uống quá nhiều dễ khiến bạn tăng cân.
Bệnh nhân gút uống nước chanh không đường sẽ có lợi để giảm các cơn gút và giảm viêm.
THÙY LINH (DỊCH TỪ ABOLUOWANG)