|
|
Thoái hoá khớp khiến người bệnh đau đớn nhưng chỉ bổ sung thực phẩm chưa phải là giải pháp tốt nhất. Ảnh:Freepik. |
Thoái hóa khớp là hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn điểm nối giữa hai đầu xương. Tình trạng này khiến sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), khớp hoạt động trơn tru là nhờ cấu trúc lớp sụn khớp khỏe mạnh, trơn láng và lượng dịch khớp do màng hoạt dịch tiết ra đủ chất lượng.
Lượng dịch này vốn không được hấp thu từ thực phẩm. Do đó, các loại rau củ quả như đậu bắp, rau mồng tơi, cà chua... có chất nhờn nói chung sẽ không đi trực tiếp vào khớp mà được hệ tiêu hóa chuyển thành những thành phần nhỏ đưa tới các bộ phận của cơ thể.
Đậu bắp, mồng tơi, cà chua... có khả năng cải thiện tình trạng thoái hóa là nhờ chứa hàm lượng lớn canxi, axit folic, chất xơ và các loại vitamin như vitamin A, C, K... giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ, cải thiện tình trạng đau khớp hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu sử dụng liên tục hoặc quá nhiều, nó không có lợi cho sức khỏe. Ví dụ, đậu bắp còn chứa lượng lớn oxalate, ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận dạng canxi oxalat. Đậu bắp giàu chất xơ, ăn nhiều dễ bị tiêu chảy.
Do đó, mọi người nên kết hợp với những thực phẩm khác trong bữa ăn để có thể cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho một ngày.
Bác sĩ Vũ khẳng định không có thực phẩm nào giúp điều trị bệnh thoái hóa khớp.
Những người bị thoái hoá khớp cần tăng cường những thực phẩm chứa nhiều vitamin, ăn cá và dầu hạt có chứa nhiều omega 3 và khoáng chất đặc biệt là canxi để hỗ trợ xương chắc khỏe, góp phần tự sửa chữa tổn thương trong khớp.
Bên cạnh đó, mọi người cần duy trì cân nặng lý tưởng, có chế độ ăn khoa học và tập thể dục hợp lý, tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt hàng ngày như nằm võng, ngồi xổm, ngồi chồm hổm, lao cầu thang, mang vác nặng, đứng lâu, ngồi lâu...
Thời gian qua có nhiều thông tin có thể điều trị thoái hoá khớp bằng tế bào gốc, bác sĩ Vũ cho hay tế bào gốc có từ 2 nguồn. Một là tự thân, thường là mô mỡ của chính người bệnh. Hai là từ mô hoặc/và máu dây rốn.
Các tế bào gốc này sẽ được xử lý đặc biệt và tiêm vào trong khớp thoái hoá, làm cho sụn khớp dày lên và giảm tiếng lạo xạo khớp. Đây là phương pháp mới, hiệu quả tốt và lâu dài hơn so với những phương pháp giảm đau, điều trị triệu chứng hiện nay, cho hiệu quả điều trị ngắn.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cho rằng giá thành của phương pháp này quá cao và các nhà khoa học cần thêm nhiều thời gian nghiên cứu sâu hơn.
Theo lifestyle.znews