Ăn một số loại thực phẩm sẽ không chữa khỏi bệnh cường giáp, nhưng có vai trò trong việc kiểm soát tình trạng cơ bản. Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tuyến giáp và cách tuyến giáp hoạt động. Người bệnh cường giáp nên có chế độ ăn thế nào giúp kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh?

1. Cường giáp có ảnh hưởng thế nào đến cân nặng?

1.1 Giảm cân là triệu chứng phổ biến

Hormone tuyến giáp dư thừa có liên quan mật thiết đến lượng chuyển hóa cơ bản cao (chuyển hóa cơ bản là năng lượng tiêu dùng khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi). Điều này có nghĩa là cơ thể đốt cháy nhiều năng lượng hơn dù là trong khi nghỉ ngơi. Do đó, giảm cân là một triệu chứng phổ biến của bệnh cường giáp.

Thực phẩm đơn giản, quen thuộc giúp kiểm soát bệnh cường giáp - Ảnh 2.

Hình ảnh tuyến giáp bình thường và cường giáp.

1.2 Cường giáp cũng có thể dẫn đến tăng cân

Một số người bị cường giáp có thể bị tăng cân thay vì giảm cân như thông thường, nguyên nhân là do:

Tăng khẩu vị: Cường giáp thường làm tăng cảm giác thèm ăn. Nếu nạp nhiều calo hơn có thể gây tăng cân ngay cả khi cơ thể đang đốt cháy nhiều năng lượng hơn.

Điều trị cường giáp: Cường giáp là một trạng thái bất thường của cơ thể, việc điều trị giúp đưa cơ thể trở lại trạng thái bình thường. Do đó, khi bắt đầu điều trị, cơ thể bắt đầu tạo ra ít hormone tuyến giáp hơn trước, người bệnh có thể tăng cân trở lại. Sự tăng cân của mỗi người sẽ không giống nhau và các phương pháp điều trị khác nhau cũng có ảnh hưởng khác nhau đến trọng lượng cơ thể. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng radioiodine (liệu pháp iod phóng xạ) gây tăng cân nhiều hơn so với dùng thuốc kháng giáp.

2. Ăn gì để kiểm soát cường giáp tự nhiên?

2.1 Rau lá xanh

Tuyến giáp hoạt động quá mức có thể làm tăng tốc độ chuyển hóa của xương. Điều này có thể làm tăng nhu cầu calci (canxi) của cơ thể. Nếu cơ thể không được bổ sung đủ calci, về lâu dài có thể làm xương giòn và loãng xương. Để hạn chế tình trạng này, người bệnh cường giáp nên ăn nhiều loại rau lá xanh giàu calci như rau bina, súp lơ và cải xoăn.

2.2 Cá hồi tốt cho sức khỏe người bệnh cường giáp

Calci rất quan trọng với người bệnh cường giáp, vì vậy cần cung cấp vitamin D cho cơ thể để giúp cải thiện sự hấp thụ calci. Cá hồi là một loại thực phẩm đặc biệt giàu vitamin D. Theo Cơ sở dữ liệu thành phần thực phẩm Mỹ (USDA Food Composition) thì một khẩu phần cá hồi 100g chứa từ 361 đến 685 IU vitamin D.

Thực phẩm đơn giản, quen thuộc giúp kiểm soát bệnh cường giáp - Ảnh 4.

Cá hồi giàu vitamin D tốt cho người bệnh cường giáp.

2.3 Quả hạch và hạt hướng dương

Quả hạch và hạt hướng dương là 2 thực phẩm giàu selen (vi chất dinh dưỡng có vai trò tạo ra các hormone tuyến giáp và điều chỉnh chức năng của tuyến giáp).

Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, sự thiếu hụt selen có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ bị bệnh mắt liên quan đến tuyến giáp (là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và ảnh hưởng đến các cơ và mô mềm xung quanh mắt) dẫn đến viêm mắt tiến triển và có thể dẫn đến mù lòa ở những người mắc bệnh cường giáp. Bổ sung selen vào chế độ ăn uống có thể giúp điều trị bệnh.

2.4 Quả mọng

Một chế độ ăn giàu chất chống ôxy hóa là những chất có trong trái cây và rau quả có thể giúp ngăn ngừa sự tổn thương tế bào, giảm viêm trong cơ thể, cải thiện khả năng miễn dịch và hỗ trợ cân bằng hormone tuyến giáp.

Các loại quả mọng, bao gồm quả mâm xôi, việt quất thuộc nhóm thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa tốt cho sức khỏe của người bị cường giáp.

2.5 Các loại đậu

Nghiên cứu cho thấy bệnh cường giáp có thể làm giảm nồng độ sắt trong cơ thể. Nếu cơ thể thiếu sắt, hãy cân nhắc việc tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt. Các loại đậu là thực phẩm tự nhiên giúp bổ sung sắt cho cơ thể.

Để tối đa hóa khả năng hấp thụ sắt của cơ thể, nên kết hợp thực phẩm giàu chất sắt với thực phẩm giàu vitamin C.

3. Thực phẩm người bệnh cường giáp nên hạn chế

3.1 Hạn chế ăn nhiều muối iod

Muối ăn thường bổ sung iod để ngăn ngừa sự thiếu hụt iod. Tuy nhiên, với người bị bệnh cường giáp, iod có thể khiến cơ thể sản xuất nhiều TSH (hormone kích thích tuyến giáp) hơn nhu cầu của cơ thể.

Theo các chuyên gia của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), lượng iod được khuyến nghị là 150 microgram/ngày, nhưng những người bị cường giáp có thể cần tiêu thụ ít hơn thế.

3.2 Rong biển

Thực phẩm đơn giản, quen thuộc giúp kiểm soát bệnh cường giáp - Ảnh 5.

Người bệnh cường giáp nên hạn chế ăn rong biển.

Rong biển có thể có hàm lượng iod đặc biệt cao. Một khẩu phần 10g rong biển khô chứa tới 232 microgram iod (khoảng 155% giá trị khuyến nghị hàng ngày). Do đó người bệnh cường giáp nên hạn chế ăn rong biển.

3.3 Gluten

Nghiên cứu cho thấy bệnh cường giáp cũng có thể liên quan đến bệnh celiac (một loại rối loạn tự miễn dịch, người bệnh không thể ăn gluten là một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen…).

Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh celiac, nên loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn uống để không làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh cường giáp.

3.4 Đồ uống có chứa caffeine

Một số triệu chứng liên quan đến bệnh cường giáp bao gồm lo lắng, hồi hộp, nhịp tim nhanh và giảm cân, tất cả đều có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn sử dụng quá nhiều caffeine.

Nước tăng lực là một trong những nguồn cung cấp lượng lớn caffeine, tiếp đến là cà phê, vì vậy nên hạn chế những đồ uống này.

Theo suckhoedoisong.vn