Thủng màng nhĩ để lâu, đến khi ù tai nặng, chói tai và không thể chịu nổi khi nghe âm thanh lớn, bà N.T.A (60 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) đến bệnh viện phẫu thuật vá màng nhĩ.

Thủng màng nhĩ hơn 2 năm

Theo bệnh sử, hơn 2 năm trước, bà A. biết mình bị thủng màng nhĩ nhưng không vá nhĩ, điều trị nội khoa theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, vì lớn tuổi, huyết áp cao, bà không muốn can thiệp phẫu thuật.

Những tháng gần đây, bà ù tai nhiều hơn, đặc biệt chói tai, nhức tai không thể chịu nổi khi nghe âm thanh lớn, tiếng ồn, chảy dịch tai nên đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám và mong muốn được vá màng nhĩ.
Thủng màng nhĩ có tự lành?- Ảnh 1.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi vá nhĩ cho một người bệnh

Ảnh: BVCC

Thạc sĩ - bác sĩ CKI Phạm Thị Phương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng, đo thính lực, chẩn đoán bà A. viêm tai giữa, thủng nhĩ, giảm thính lực. Tai còn chảy dịch và viêm nên cần điều trị ổn định tình trạng này trong 3-4 tuần; đồng thời bà A. cần ổn định huyết áp, bác sĩ mới thực hiện phẫu thuật vá nhĩ.

Bác sĩ Phương giải thích khi thủng nhĩ, âm thanh đi trực tiếp vào tai giữa mà không qua quá trình giảm cường độ, khiến cho âm thanh lớn trở nên chói tai hơn và gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu. Ngoài ra, thủng màng nhĩ có thể gây ra mất cân bằng trong áp lực giữa tai ngoài và tai giữa, tai dễ bị kích thích bởi âm thanh lớn. Điều này dẫn đến việc bà A. cảm thấy chói tai và nhạy cảm hơn với các âm thanh lớn. Phẫu thuật vá nhĩ giúp tránh tình trạng viêm tai giữa nhiều đợt, gây chảy dịch tai, đau tai, nhức tai, đồng thời bảo vệ tai trước âm thanh lớn.

Sau 3-4 tuần điều trị theo chỉ định của bác sĩ Phương, bà A. tái khám. Bà hết tình trạng viêm tai, chảy dịch, huyết áp ổn định. Bà A. được bác sĩ Phương phẫu thuật vá màng nhĩ để cải thiện tình trạng ù tai, đau nhức tai, hồi phục thính lực. Đồng thời, trường hợp bà A., nếu không vá nhĩ sẽ viêm tai giữa thủng nhĩ mạn tính, tái phát nhiều lần, điếc sâu, có thể viêm tai xương chũm về sau.

Ê kíp phẫu thuật vá nhĩ nội soi với sự hỗ trợ của kính vi phẫu và hệ thống máy nội soi ít xâm lấn, ít chảy máu nên vết thương hồi phục nhanh. Thời gian thực hiện khoảng 60-90 phút. Hậu phẫu, bà A. được nhét merocel (vật liệu xốp mềm) vào trong tai để cố định tai và được lấy ra sau 1 tuần. Bà A. xuất viện sau 2 ngày phẫu thuật.

Bác sĩ Phương cho biết, người vừa phẫu thuật tai nên tránh khu vực có tiếng động quá lớn, không nằm nghiêng đè lên vết mổ, giữ vết mổ khô ráo, tránh đi bơi, tránh xì mũi mạnh, tránh đi máy bay, cần nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Không phải trường hợp thủng nhĩ nào cũng cần phẫu thuậtSau phẫu thuật, các triệu chứng như đau nhói ở tai, cảm giác đầy tai, ù tai, nghe thấy một vài âm thanh lạ trong tai,… có thể xảy ra. Nhưng các triệu chứng này thường nhẹ và sẽ hết dần sau khoảng 1-2 tuần.

 Theo bác sĩ Phương, không phải trường hợp thủng nhĩ nào cũng cần phẫu thuật vá nhĩ. Một số rất ít trường hợp thủng màng nhĩ nhỏ có thể tự lành mà không cần điều trị. Tùy mức độ và thời gian mắc bệnh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa (dùng thuốc) hoặc ngoại khoa (phẫu thuật) khi cần thiết. Đặc biệt ở người lớn tuổi, người có bệnh nền, phẫu thuật vá nhĩ luôn được bác sĩ cân nhắc kỹ.

Trường hợp màng nhĩ không thể tự lành hoặc thủng màng nhĩ kèm viêm tai giữa nhiều lần, bác sĩ sẽ điều trị ổn định đợt nhiễm trùng mới tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật chống chỉ định khi người bệnh có u ác tính tai ngoài, viêm tai giữa biến chứng nội sọ đang tiến triển.

Theo Thanh niên