1. Nguyên nhân nhiễm vi khuẩn E.coli
Môi trường thiếu vệ sinh và nước sạch là điều kiện để vi khuẩn E.coli sinh sôi mạnh. Khi nguồn nước ô nhiễm nhưng vẫn sử dụng để tắm giặt, chế biến thức ăn... sẽ gây nhiễm vi khuẩn E.coli, đặc biệt trong quá trình chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Trước khi nấu, ăn và sau khi đi vệ sinh không rửa tay hoặc rửa tay không kỹ.
- Sử dụng các loại thức ăn đã bị ôi thiu, hư hỏng
- Ăn hải sản sống trong điều kiện không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Ăn các loại thịt tái, rau sống...
- Sử dụng chung dụng cụ cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.
- Chế biến và ăn các loại thực phẩm gia súc, gia cầm đang ủ bệnh...
E.coli có thể lây nhiễm từ người mắc bệnh sang người lành khi có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc cũng có thể lây từ động vật như bò, dê, cừu...
Khi bị nhiễm vi khuẩn E.coli, có thể mắc phải một số bệnh như:
- Viêm ruột do nhiễm E.coli, gây chảy máu ruột, tiêu chảy
- Nhiễm trùng tiết niệu: Ban đầu E.coli gây ra là nhiễm trùng đường tiểu. Sau đó nhiễm trùng tăng dần từ đáy chậu qua niệu đạo.
- Ngoài ra, E.coli có thể gây viêm tuyến tiền liệt và các bệnh viêm vùng chậu khác...
2. Cách sử dụng thuốc điều trị nhiễm vi khuẩn E.coli
Đa số các ca bệnh bị nhiễm vi khuẩn E.coli có thể được điều trị tại nhà. Đối với người trưởng thành, có sức khỏe tốt, bệnh có thể nhanh chóng khỏi và phục hồi trong vòng vài tuần. Đối với trường hợp người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em hoặc người mắc bệnh có hệ miễn dịch yếu... thì nhiễm E.coli có thể rất nguy hiểm vì có khả năng gây suy thận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Khi chưa xác định được chủng vi khuẩn, bác sĩ sẽ điều trị nhiễm E.coli ban đầu bằng kinh nghiệm dịch tễ tại địa phương và tình trạng lâm sàng của người bệnh. Sau khi có kết quả kháng sinh đồ, mới có thể đưa ra loại kháng sinh phù hợp nhất để điều trị E.coli
Hiện nay, có khá nhiều chủng E.coli đa kháng ampicillin và tetracycline. Ngoài 2 kháng sinh này, vi khuẩn E.coli còn kháng thuốc với TMP/SMX (là kháng sinh kết hợp trimethoprim và sulfamethoxazole được sử dụng để điều trị một loạt các bệnh do nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli) và fluoroquinolone.
Hơn nữa, hiện nay còn xuất hiện các chủng đa kháng thuốc, thậm chí cả beta lactamase phổ rộng. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng gây nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm khuẩn huyết do E.coli trong cộng đồng.
Do đó khi điều trị E.coli cần phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau.
Các loại kháng sinh bao gồm:
- Nhóm beta lactam như piperacillin: Ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.
- Nhóm aminoglycoside (amikacin, gentamycin, tobramycin, kanamycin, netilmycin, plazomicin, streptomycin và paromomycin), ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn.
- Trimethoprim là một kháng sinh dẫn chất của pyrimidine, có tác dụng kìm khuẩn, ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn.
- Fluoroquinolone là kháng sinh được chỉ định trong nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Không nên dùng fluoroquinolon cho những bệnh nhân có các lựa chọn điều trị khác.
Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trị E.coli:
- Hiện do nhiều thuốc kháng sinh đã bị kháng bởi vi khuẩn này, nên người bệnh không nên tự ý dùng kháng sinh để trị vi khuẩn E.coli.
- Kiểm trạng tình trạng kháng thuốc của bệnh nhân trước khi kê đơn.
- Lựa chọn liều lượng và tác dụng của kháng sinh cũng như sự phối hợp thuốc. Mục đích của quá trình này nhằm giúp lựa chọn loại kháng sinh phù hợp và có hiệu quả cao nhất trong điều trị. Khi có các kết quả, cần ưu tiên sử dụng kháng sinh phổ hẹp để điều trị E.coli.
- Để hạn chế tình trạng kháng thuốc của E.coli, ngay từ đầu khi điều trị ngoại trú cũng không nên dùng kháng sinh có phổ rộng và tác dụng mạnh như levofloxacin, ciprofloxacin... Một số kháng sinh cũ cũng có thể đem lại hiệu quả điều trị tốt mà giá thành phù hợp.
Khi kê kháng sinh hợp lý vừa bảo vệ được hiệu lực của thuốc đối với bệnh mà còn giảm nguy cơ kháng kháng sinh khá phổ biến hiện nay.
Khi dùng thuốc điều trị E.coli, cơ thể có khả năng hấp thu lại chất độc do E.coli tiết ra. Tình huống này sẽ gia tăng nguy cơ gặp các biến chứng về thận, máu và tăng tính kháng thuốc của vi khuẩn E.coli. Vì vậy, trong quá trình điều trị, người bệnh cần được theo dõi và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, kiểm tra kỹ nhằm tránh các tác hại trong quá trình điều trị.
Biện pháp điều trị E.coli phối hợp:
- Trường hợp bệnh do nhiễm khuẩn E.coli nặng phải điều trị tại bệnh viện. Ngoài kháng sinh, bệnh nhân sẽ được điều trị phối hợp để nâng hiệu quả điều trị cao hơn:
- Bù nước điện giải sớm nhất, đặc biệt với trường hợp bị tiêu chảy.
- Nếu bệnh nhân bị thiếu máu, cần truyền máu khi cần thiết.
- Đối với trường hợp người gặp các vấn đề liên quan đến thận thì cần phải tiến hành thẩm tách máu để loại bỏ chất độc hại.
Theo suckhoedoisong.vn