“Nếu bạn đang sử dụng, hoặc gần đây đã dùng thuốc kháng virus COVID-19 trong khi đang có kế hoạch sinh em bé thì hãy nghĩ ngay đến việc sử dụng các biện pháp tránh thai”.
Dòng khuyến cáo trên được trích từ một bài báo đăng trên tạp chí Financial Review mới đây đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Úc.
|
Thuốc kháng virus Paxlovid và Lagevrio có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản con người - Ảnh: Mary Lloyd/Reuters |
Theo đó, hiện có hai loại thuốc kháng virus được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu Úc (TGA) và được sử dụng rộng rãi tại quốc gia này để điều trị sớm đối với các trường hợp mắc COVID-19 gồm Lagevrio và Paxlovid. Tuy nhiên, chuyên gia y tế đang bày tỏ mối lo ngại về các tác dụng phụ không mong muốn mà hai loại thuốc này có thể gây ra liên quan đến sức khỏe sinh sản của nam và nữ, cũng như tác động tiêu cực đến quá trình điều trị các căn bệnh hiện hữu của bệnh nhân.
Cụ thể, thuốc Lagevrio có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tinh trùng ngay từ những giai đoạn đầu, vì vậy, bệnh nhân nam nên sử dụng biện pháp tránh thai sau khi được điều trị bằng loại thuốc này ít nhất là 3 tháng.
Đối với bệnh nhân nữ, việc sử dụng biện pháp tránh thai cũng được đặc biệt nhấn mạnh, nhất là trong thời gian phải điều trị COVID-19 bằng thuốc Lagevrio và 4 ngày sau khi kết thúc đợt điều trị.
|
Phụ nữ mang thai và cho con bú cần hết sức thận trọng khi sử dụng các loại thuốc kháng virus điều trị COVID-19 - Ảnh: Bernard Bodo/Getty Images |
Với những bệnh nhân được bác sĩ chỉ định dùng thuốc Paxlovid cho quá trình điều trị COVID-19, chuyên gia y tế khuyến cáo cả nam và nữ không nên có con trong trong thời gian điều trị và trong vòng một tuần sau đó. Phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai thì “nên sử dụng các biện pháp bảo vệ bổ sung” bởi thuốc Paxlovid có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc tránh thai.
Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú được khuyến cáo không nên dùng loại thuốc kháng virus này.
“Bên cạnh đó, còn có những tác động nghiêm trọng khác giữa thuốc Paxlovid với các loại thuốc thường dùng, chẳng hạn như: thuốc điều trị cholesterol cao, huyết áp cao, bệnh gút và trầm cảm”, giáo sư Sarah Hilmer, Trưởng khoa Dược lâm sàng, Bệnh viện Royal North Shore (Sydney, Úc) cho biết.
Theo giáo sư Sarah Hilmer, nhiều loại tân dược khác - bao gồm thuốc mua không cần kê đơn, hay thậm chí là thực phẩm chức năng - cũng có thể khiến cho thuốc Paxlovid mất tác dụng.
“Nếu đang điều trị bằng thuốc Paxlovid, bạn phải tham vấn ý kiến của bác sĩ để đảm bảo các loại thuốc uống cùng khác không gây tác dụng phụ hay mối nguy hiểm nào cho bạn”, giáo sư Sarah Hilmer khuyến cáo, đồng thời lưu ý những người mắc bệnh thận và gan phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Paxlovid.
|
Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng hai loại thuốc kháng virus COVID-19 này - Ảnh: Donato Fasano/Getty Images |
Một số tác dụng phụ phổ biến mà bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị bằng thuốc Lagevrio hoặc Paxlovid có thể gặp phải, bao gồm: tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, mất vị giác tạm thời.
Tạp chí Financial Review cho biết, hai loại thuốc này hiện đang được hàng triệu bệnh nhân ở Úc sử dụng để điều trị COVID-19.
Theo phunuonline.com.vn