1. Đái tháo đường thai kỳ là gì? 

Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường typ 1, đái tháo đường typ 2 trước đó. 

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm cho mẹ và em bé trong khi mang thai và sau khi sinh:

- Ở mẹ sẽ gây: Tăng huyết áp, phù tay chân, tiền sản giật, nhiễm khuẩn tiết niệu...

- Ở trẻ: Mắc dị tật bẩm sinh, vàng da sơ sinh, hạ đường huyết, bệnh đa hồng cầu, béo phì... 

Tuy nhiên, những rủi ro này có thể được giảm bớt nếu tình trạng bệnh được phát hiện sớm và quản lý tốt.

photo-1661763057834

Phát hiện sớm và kiểm soát tốt sẽ giảm bớt các mối nguy do đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra…

2. Ai có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ?

Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ trong khi mang thai, nhưng sẽ có nguy cơ cao hơn nếu:

Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30.

- Trước đây bạn đã sinh một em bé nặng 4,5kg trở lên.

- Bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.

- Bố mẹ hoặc anh chị em của bạn mắc bệnh đái tháo đường.

3. Các phương pháp điều trị đái tháo đường thai kỳ

3.1. Điều trị không dùng thuốc

Lối sống, cách ăn uống và hoạt động cũng là một phần quan trọng trong việc giữ cho lượng đường trong máu ở mức lành mạnh. Do đó, các chuyên gia thường khuyên các bà mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ nên:

- Ăn uống lành mạnh với lượng thích hợp và đúng giờ, theo kế hoạch do bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng đề ra. Tập trung vào thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất xơ, ít chất béo và calo, bao gồm: Trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Hạn chế carbohydrate tinh chế cao, bao gồm cả đồ ngọt.

- Hoạt động thể chất ở cường độ vừa phải (30 phút sau bữa ăn trưa hoặc tối vào hầu hết các ngày trong tuần) giúp làm giảm lượng đường trong máu và khiến cơ thể nhạy cảm hơn với insulin. Tập thể dục thường xuyên còn giúp giảm một số khó chịu thường gặp khi mang thai, bao gồm đau lưng, chuột rút, sưng tấy, táo bón và khó ngủ.

- Thăm khám trước sinh thường xuyên đúng hẹn và tuân theo kế hoạch điều trị.

- Kiểm tra lượng đường trong máu để đảm bảo mức đường huyết khỏe mạnh.

Thường xuyên kiểm tra sự tăng trưởng và phát triển của em bé.

3.2. Điều trị đái tháo đường thai kỳ bằng thuốc

Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng chế độ ăn uống và tập thể dục trước khi dùng thuốc. Nếu không đạt hiệu quả kiểm soát đường huyết, có các lựa chọn thuốc sau:

Insulin tiêm: Insulin làm giảm lượng đường trong máu bằng cách kích thích sự hấp thu glucose ở ngoại vi chủ yếu bởi các tế bào cơ xương và chất béo và bằng cách ức chế sự sản xuất và giải phóng glucose của gan. Một số tác dụng phụ khi sử dụng insulin bao gồm: Hạ đường huyết, dị ứng ban đỏ, ngứa ở chỗ tiêm, nổi mày đay…

Insulin là loại thuốc truyền thống được lựa chọn đầu tiên để kiểm soát lượng đường trong máu khi mang thai vì nó có hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng đường trong máu và nó không đi qua nhau thai. Vì vậy, nó là an toàn cho em bé.

Insulin có thể được tiêm bằng ống tiêm, bút tiêm insulin hoặc thông qua máy bơm insulin. Cả ba phương pháp này đều an toàn cho phụ nữ mang thai. Bạn có thể lo lắng về việc tiêm vào bụng khi đang mang thai, nhưng với một cây kim ngắn (4-6mm), bạn có thể tiêm insulin vào lớp mỡ một cách an toàn. Lưu ý, cần tránh khu vực tiêm quá gần rốn.

photo-1661763064441

Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng chế độ ăn uống và tập thể dục trước khi dùng thuốc.

Metformin uống: Metformin làm giảm nồng độ glucose trong huyết tương, khi đói và sau bữa ăn. Cơ chế tác dụng ngoại biên của metformin là làm tăng sử dụng glucose ở tế bào, cải thiện liên kết của insulin với thụ thể và có lẽ cả tác dụng sau thụ thể, ức chế tổng hợp glucose ở gan và giảm hấp thu glucose ở ruột. Metformin làm giảm sự tăng đường huyết nhưng không gây tai biến hạ đường huyết (trừ trường hợp nhịn đói hoặc phối hợp thuốc hiệp đồng tác dụng).

Lưu ý, chỉ có một số nghiên cứu được công bố phân tích tính an toàn và hiệu quả của thuốc uống trong thai kỳ. Không giống như insulin, thuốc uống đi qua nhau thai đến thai nhi ở các mức độ khác nhau.

 Mặc dù có khuyến cáo không nên sử dụng metformin trong thời kỳ mang thai, tuy nhiên, loại thuốc này được sử dụng ở Vương quốc Anh để giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường trong thai kỳ do có bằng chứng mạnh mẽ về tính hiệu quả và an toàn.

Việc kiểm soát tốt lượng đường huyết trong thai kỳ là rất quan trọng để tránh những tác động xấu cho cả mẹ và bé, bao gồm sẩy thai, dị tật bẩm sinh ở em bé, thai chết lưu và thai nhi tử vong ngay sau khi sinh. Sử dụng metformin là cách an toàn để hạn chế các nguy cơ này.

4. Phòng tránh đái tháo đường thai kỳ

Để phòng tránh mắc đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ mang thai cần:

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt.

- Vận động nhẹ nhàng hàng ngày.

- Giữ cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá mức. 

Theo suckhoedoisong.vn