1. Rối loạn nội tiết tố là gì?
Hệ thống nội tiết là một hệ thống điều hòa chức năng quan trọng khác ngoài hệ thần kinh. Vai trò của hệ thống nội tiết là truyền tải thông tin, tham gia điều hòa quá trình trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển cũng như hoạt động sinh sản của cơ thể, duy trì sự ổn định của môi trường bên trong cơ thể.
Ở điều kiện bình thường, các hormone khác nhau trong cơ thể duy trì sự cân bằng tương đối, nhưng nếu vì một số nguyên nhân nhất định (khối u tuyến nội tiết, các yếu tố ảnh hưởng như sinh lý, dinh dưỡng, môi trường, cảm xúc... ) sự cân bằng này bị phá vỡ, sự suy giảm (tiết quá nhiều hoặc quá ít hormone) được gọi là rối loạn nội tiết.
Ở phụ nữ, khi hệ thống nội tiết bị rối loạn, sẽ xuất hiện các dấu hiệu thực thể khác nhau như các vấn đề về da (nám), có thể xuất hiện nhiều lông trên cơ thể nếu nội tiết tố nam tiết ra quá nhiều, nhức đầu, xương yếu, khô âm đạo, một số bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, kinh nguyệt không đều…
Sự mất cân bằng nội tiết tố không được nhận biết hoặc điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng theo thời gian như béo phì, vô sinh, ung thư vú, huyết áp cao, rụng tóc tạm thời hoặc vĩnh viễn…
|
|
Rối loạn nội tiết tố không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe. |
2. Thuốc điều trị rối loạn nội tiết tố nữ
Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện các biểu hiện của rối loạn nội tiết thì cần xác định và khắc phục nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết càng sớm càng tốt, đồng thời tiến hành can thiệp hiệu quả bằng thuốc, chế độ ăn uống và lối sống.
Việc điều trị mất rối loạn nội tiết tố nữ được xác định dựa trên nguyên nhân cụ thể và phù hợp với từng cá nhân.
Các thuốc điều trị có thể bao gồm:
2.1 Thuốc ngừa thai
- Tác dụng: Thuốc tránh thai có thể cân bằng lượng hormone để điều chỉnh kinh nguyệt không đều và cũng có thể điều trị các triệu chứng như mụn trứng cá hoặc rậm lông do tiết quá nhiều hormone nam. Các lựa chọn có sẵn cho thuốc tránh thai là thuốc viên, miếng dán, thuốc tiêm hoặc dụng cụ tử cung
- Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc bao gồm: Chảy máu bất thường, buồn nôn, tăng cân, đau đầu, mất kinh nguyệt…
- Chống chỉ định: Người đã từng hoặc đang mắc ung thư vú, các bệnh gan mật, có vấn đề về tim mạch, phụ nữ có thai, béo phì, đau nửa đầu…
2.2 Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
- Tác dụng: Trong HRT, hormone estrogen và/hoặc progesterone được cung cấp để bù đắp cho sự thiếu hụt. Việc dùng thuốc tạm thời giảm bớt các triệu chứng mãn kinh, bao gồm bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi ban đêm.
- Tác dụng phụ: Việc sử dụng HRT cũng đi kèm với một số nguy cơ bao gồm tăng cân, tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tử và các vấn đề tim mạch. Do đó, quyết định sử dụng HRT nên được thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ, và việc sử dụng nên được giám sát định kỳ.
- Chống chỉ định: HRT có chống chỉ định trong các trường hợp xuất huyết âm đạo, có khối u ở tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, các bệnh về gan mật, đang mang thai, các khối u lành và ác tính ở vú, lạc nội mạc tử cung, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, huyết khối tắc mạch, bệnh luput ban đỏ...
2.3 Các loại thuốc khác
- Thuốc kháng androgen được sử dụng để giảm sản xuất testosterone và giảm các triệu chứng liên quan như tăng lông.
- Liệu pháp hormone tuyến giáp và các loại thuốc như levothyroxine được chỉ định để giải quyết các vấn đề về tuyến giáp, trong khi các loại thuốc như metformin, flibanserin và eflornithine được dùng để điều trị các biến chứng khác nhau phát sinh do mất cân bằng nội tiết tố.
Trong một số trường hợp rối loạn nội tiết nghiêm trọng, có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ các tuyến hoặc khối u bất thường để khôi phục việc sản xuất hormone bình thường.
|
|
Nếu bị rối loạn nội tiết tố, đừng xem nhẹ mà cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ đánh giá tình hình và thiết kế liệu trình điều trị phù hợp. |
3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị rối loạn nội tiết tố
Khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn nội tiết tố nữ, có một số lưu ý quan trọng cần lưu ý, bao gồm:
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Luôn tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng thuốc, liều lượng, và thời gian sử dụng. Không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
- Nhận biết các tác dụng phụ và cảnh báo: Nắm vững thông tin về tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc và biết cách phản ứng khi gặp phải. Nếu có bất kỳ vấn đề hoặc tác dụng phụ nào không mong muốn, cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.
- Kiểm tra tương tác thuốc: Cần thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thảo dược, và các loại bổ sung đang sử dụng. Một số thuốc có thể tương tác với nhau và gây ra các vấn đề sức khỏe.
- Định kỳ kiểm tra sức khỏe: Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo thuốc hoạt động hiệu quả và không gây ra vấn đề sức khỏe nào khác.
- Thay đổi lối sống lành mạnh: Bên cạnh việc dùng thuốc cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ, giảm căng thẳng… có thể giúp cải thiện các triệu chứng do rối loạn nội tiết tố gây ra.
Mất cân bằng nội tiết tố là một vấn đề phức tạp với những hậu quả ngắn hạn và dài hạn, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của người phụ nữ. Tuy nhiên, những tiến bộ của y học đã giúp phụ nữ ngày nay điều trị vấn đề này dễ dàng hơn so với trước đây.
Nếu đang gặp phải tình trạng rối loạn nội tiết tố, đừng xem nhẹ mà cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ đánh giá tình trạng một cách kỹ lưỡng và thiết kế liệu trình điều trị phù hợp.
Theo suckhoedoisong.vn