1.Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi
Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi, tuy nhiên có một số nguyên nhân chính:
- Thoái hóa thần kinh: Tế bào thần kinh trong não bị lão hóa, sự liên kết giữa các tế bào thần kinh trong não bị phá hủy, các nơ-ron thần kinh bị mất đi.
- Suy giảm tuần hoàn máu: Do suy giảm tuần hoàn máu nên tế bào não không được nuôi dưỡng đầy đủ, làm gia tăng sự lão hóa của các tế bào thần kinh trong não, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí nhớ của người cao tuổi.
- Do các gốc tự do: Gốc tự do được sinh ra liên tục trong quá trình trao đổi chất của tế bào hoặc hình thành do tác động của các yếu tố bên ngoài như khói bụi, hóa chất, thực phẩm ô nhiễm, stress. Não là nơi diễn ra quá trình trao đổi chất mạnh nhất, nên sinh ra nhiều gốc tự do. Gốc tự do tấn công và làm tổn thương màng tế bào thần kinh kéo theo những rối loạn… gây lão hóa tế bào não dẫn đến suy giảm trí nhớ.
Tập luyện giúp tăng cường trí nhớ ở người cao tuổi
- Thiếu vitamin: Vitamin B1, B6 có nhiệm vụ đảm bảo các chức năng bình thường của hệ thống thần kinh. Nếu thiếu các vitamin cần thiết này có thể bị hội chứng Wernicke-Korsakoff, một loại rối loạn thần kinh dẫn đến suy giảm trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.
- Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và tâm thần, bao gồm suy giảm trí nhớ...
- Do dùng thuốc: Việc sử dụng các loại thuốc chữa bệnh trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, thuốc điều trị cao huyết áp… cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh.
- Thiếu ngủ: Người cao tuổi thường mắc chứng mất ngủ, ngủ không đủ giấc, là nguyên nhân làm tăng thêm sự suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.
2. Điều trị suy giảm trí nhớ bằng cách nào?
Cho đến nay vấn đề điều trị suy giảm trí nhớ vẫn còn nhiều hạn chế. Trường hợp người bệnh đã mất trí nhớ hoặc suy giảm trí nhớ nghiêm trọng thì cần phải được các trung tâm y tế chuyên khoa thần kinh xác định tình trạng, nguyên nhân và có các phương pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Với nguyên nhân suy giảm tuần hoàn máu, cần được điều trị sớm. Ngoài ra cần rèn luyện cơ thể từ khi còn trẻ bằng lối sống lành mạnh, ăn đủ chất, rèn luyện thể dục, tránh stress… là các biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa suy giảm trí nhớ.
2.1 Thuốc trị mất ngủ
Cần điều trị bệnh mất ngủ ở người già càng sớm càng tốt để giúp người bệnh có giấc ngủ ngon và phòng tránh suy giảm trí nhớ.
Trước tiên cần lựa chọn các biện pháp điều trị không dùng thuốc bằng cách:
- Tạo môi trường thư giãn và yên tĩnh khi đi ngủ.
- Không thức quá khuya, tránh phòng có ánh sáng, tiếng ồn.
- Tránh các chất kích thích.
- Không nên ăn hoặc uống quá nhiều trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ.
- Không sử dụng thiết bị điện tử ban đêm.
- Nên đọc sách, nghe nhạc êm dịu trước khi đi ngủ.
- Để điều hòa nhiệt độ phòng phù hợp…
Khi đã thay đổi thói quen nhưng giấc ngủ vẫn chưa được cải thiện thì cần dùng thuốc. Việc sử dụng thuốc điều trị mất ngủ cần phải được đi khám và có sự kê đơn của bác sĩ chuyên khoa thần kinh/tâm thần. Nên sử dụng các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng dưỡng tâm an thần: Tâm sen, vông nem, trà hoa tam thất…
Dùng một số thuốc gây ngủ:
Thường dùng các thuốc nhóm benzodiazepine, tuy nhiên không được sử dụng kéo dài vì khiến bệnh nhân lệ thuộc thuốc. Thuốc có tác dụng phụ là gây mệt mỏi và buồn ngủ vào cả ngày hôm sau. Người cao tuổi dùng thuốc dễ bị ngã do đó rất hạn chế dùng thuốc nhóm này.
Nhóm zolpidem ít tác dụng phụ hơn benzodiazepine, tuy nhiên cũng không được lạm dụng.
Ngoài ra có thể dùng melatonin, theo chỉ định của bác sĩ.
Khi dùng thuốc điều trị mất ngủ, nên kết hợp cùng các liệu pháp không dùng thuốc như ngồi thiền, tập thở đều và sâu, nghe nhạc không lời để tăng hiệu quả.
Thường xuyên đọc sách để rèn luyện trí nhớ.
2.2 Các thuốc cải thiện suy giảm trí nhớ
-Thuốc tăng cường tuần hoàn não piracetam: Thuốc có tác dụng trực tiếp lên não để làm tăng hoạt động của vùng não tham gia vào cơ chế nhận thức, học tập, trí nhớ… Ở người cao tuổi, thuốc được chỉ định trong các triệu chứng chóng mặt, suy giảm trí nhớ, kém tập trung hoặc thiếu tỉnh táo, rối loạn hành vi…
Tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ gây độc thận và gan. Do vậy cần kiểm tra chức năng gan, thận của người cao tuổi trước khi dùng thuốc. Ở người chức năng thận đã suy giảm phải hết sức cẩn thận và theo dõi chức năng thận thường xuyên.
-Bổ sung magiê-B6: Là thuốc thuộc nhóm bổ thần kinh, được chỉ định cho tình trạng thiếu hụt magiê và vitamin B6 với các biểu hiện như mệt mỏi, tim đập nhanh, rối loạn giấc ngủ… Đặc biệt ở người cao tuổi, cơ thể bị thiếu hụt magiê do chuyển hóa thức ăn đã bị suy giảm.
Cần lưu ý, tránh sử dụng với một số thuốc như tetracyclin, levodopa, thuốc lợi tiểu, thuốc tim mạch, corticoid... Nếu phải dùng các thuốc trên, nên cách xa thời điểm uống thuốc và cần có hướng dẫn của bác sĩ.
-Ginkgo biloba: Giúp tăng cường tuần hoàn não, được sử dụng chủ yếu như là các chất làm tăng trí nhớ, giảm chóng mặt. Thuốc cũng được cho là có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh trong trường hợp thiểu năng tuần hoàn não.
Các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, nổi mụn, nhức đầu tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.
3. Biện pháp phòng tránh suy giảm trí nhớ người cao tuổi
Việc phòng tránh vẫn là vấn đề quan trọng hơn điều trị trong vấn đề đối phó với suy giảm trí nhớ.
Có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
- Rèn luyện thân thể: Muốn có một bộ não khỏe mạnh, minh mẫn, cần phải có một cơ thể khỏe mạnh. Tập thể dục điều độ thường xuyên giúp lưu thông khí huyết; tăng cường thải trừ các chất độc tích tụ trong cơ thể, giúp bộ não được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và oxy, đảm bảo cho các hoạt động của não.
-Ngủ đủ giấc: Khi ngủ là thời gian để cơ thể hồi phục sau quá trình làm việc cả ngày, khi đó bộ não cũng cần được nghỉ ngơi, bảo dưỡng. Nên đi ngủ sớm và dậy sớm, không ngủ quá 8 giờ mỗi ngày.
-Ăn uống điều độ, hợp lý: Ăn đầy đủ dưỡng chất cần thiết như các axit amin, các vitamin, chất khoáng, omega-3 hằng ngày. Các chất dinh dưỡng này có rất nhiều trong các loại thực phẩm như các loại cá, rau xanh, thịt, trứng, tôm tươi, các loại hải sản…
-Đọc sách báo thường xuyên: Đọc sách/báo giúp cho việc rèn luyện trí nhớ rất tốt, đặc biệt là những cuốn sách cần có sự tập trung tư duy suy nghĩ, giúp cải thiện trí nhớ cho não bộ.
Theo suckhoedoisong.vn