1. Các phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển thần kinh mạn tính bắt đầu từ thời thơ ấu và được đặc trưng bởi sự thiếu chú ý, hiếu động thái quá, bốc đồng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập và hoạt động xã hội của trẻ.

Tỷ lệ mắc bệnh ADHD ngày càng cao, khoảng 3-7% trẻ em trong độ tuổi đi học mắc chứng ADHD. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, tỷ lệ này là 8%. Như vậy cứ 10-20 trẻ thì có khoảng 1 trẻ sẽ mắc chứng ADHD.

Hậu quả tiềm ẩn của ADHD không được điều trị là nguy cơ giảm khả năng học tập hoặc bỏ học cao; dễ gặp phải các vấn đề về hành vi và kỷ luật; giao tiếp giữa các cá nhân kém và xung đột giữa các thành viên trong gia đình; tăng nguy cơ hút thuốc hoặc lạm dụng chất kích thích; trầm cảm và các vấn đề tâm thần khác…

Hiện tại có rất nhiều nghiên cứu về hiệu quả và độ an toàn của thuốc điều trị ADHDv à kết quả đều cho thấy điều trị bằng thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc can thiệp ADHD, dù đối với trẻ em, thanh thiếu niên hay người lớn mắc ADHD.

Nếu kế hoạch điều trị của trẻ bao gồm dùng thuốc thì việc cải thiện các triệu chứng ADHD sẽ hiệu quả hơn so với việc chỉ sử dụng các phương pháp điều trị tâm lý và hành vi. Đặc biệt khi liều lượng điều trị bằng thuốc được các chuyên gia y tế theo dõi và điều chỉnh chặt chẽ.

Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý- Ảnh 1.
 

Hậu quả tiềm ẩn của ADHD không được điều trị là giảm khả năng học tập hoặc bỏ học cao hơn.

Mặc dù thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của ADHD nhưng trẻ mắc ADHD thiếu kỹ năng giải quyết các vấn đề do các triệu chứng ADHD gây ra trong cuộc sống học đường, cuộc sống gia đình và quản lý hành vi bản thân. Vì vậy, điều trị bằng thuốc kết hợp điều trị tâm lý hành vi có thể giúp trẻ cải thiện tốt hơn các chức năng và đạt được hiệu quả thuyên giảm tốt hơn. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý hành vi có thể giúp trẻ sử dụng liều lượng thuốc thấp hơn để đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn, lâu dài hơn.

Hiện nay, các phương pháp điều trị tâm lý và hành vi hiệu quả bao gồm 3 loại sau:

Đào tạo cha mẹ: Giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về ADHD và học cách quản lý hành vi của con mình một cách chính xác.

Đào tạo trẻ: Giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, học tập, giải quyết vấn đề tương ứng... để đối phó với những khó khăn, rắc rối do ADHD.

Can thiệp ở trường học: Giúp giáo viên hiểu được nhu cầu của trẻ mắc ADHD và cách quản lý hành vi của trẻ trong lớp học một cách phù hợp.

2. Lựa chọn thuốc điều trị tăng động giảm chú ý như thế nào?

Hiện nay, thuốc điều trị ADHD chủ yếu được chia thành 2 loại: Thuốc kích thích thần kinh trung ương và thuốc không kích thần. Những loại thuốc này an toàn và hiệu quả khi sử dụng ở những bệnh nhân khỏe mạnh và dưới sự giám sát của bác sĩ.

Tuy nhiên bác sĩ sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để tìm ra loại thuốc và liều lượng điều trị ADHD phù hợp nhất. Hiện tại, không có cách nào để dự đoán loại thuốc nào sẽ có hiệu quả đối với một đứa trẻ nhất định mà không có tác dụng phụ rõ ràng. Vì vậy, nếu trẻ đang điều trị bằng một loại thuốc nào đó mà hiệu quả không đạt yêu cầu thì cần phải liên tục điều chỉnh liều lượng để đạt được liều mục tiêu. Nếu hiệu quả vẫn không đạt yêu cầu, bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc chuyển sang loại thuốc khác.

Các loại thuốc được sử dụng:

2.1 Thuốc kích thích thần kinh trung ương

Thuốc đại diện là methylphenidate, là một dẫn xuất của amphetamine. Đây cũng là loại thuốc hàng đầu để điều trị ADHD

Tác dụng: Có thể làm giảm tính hiếu động, bốc đồng và hành vi hung hăng ở trẻ ADHD, đồng thời cải thiện tình trạng thiếu tập trung. Thuốc hoạt động bằng cách tăng dopamine và norepinephrine nội khớp, dẫn đến tăng khả năng chú ý, tăng độ nhạy cảm với việc củng cố và kiểm soát sự ức chế hành vi.

Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ thường gặp nhất của điều trị bằng methylphenidate là chán ăn, sụt cân, khó ngủ, nhức đầu, đau dạ dày và khó chịu.

Chống chỉ định: Quá mẫn với methylphenidate hoặc các thành phần khác có trong công thức của thuốc, bệnh nhân rối loạn vận động hoặc tiền sử gia đình mắc hội chứng Tourette, u tủy thượng thận, tăng nhãn áp, cường giáp…

2.2 Thuốc không kích thần

Tác dụng: Atomoxetine là một chất ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc và cùng với methylphenidate, được khuyến cáo là thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ thường gặp nhất của atomoxetine là buồn nôn, chán ăn và sụt cân. Một số ít trẻ có thể cảm thấy buồn ngủ hoặc cáu kỉnh trong ngày sau khi dùng thuốc. Nhưng nhìn chung, tác dụng phụ thường nhẹ và không nguy hiểm và có thể giảm dần khi tiếp tục sử dụng thuốc hoặc có thể giảm bớt liều sau khi bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị.

Chống chỉ định: Quá mẫn với atomoxetine hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc, bệnh nhân bị glaucom góc hẹp, mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh mạch máu não, u tủy thượng thận...

2.3 Các loại thuốc khác

Ngoài 2 loại thuốc kể trên, trong trường hợp có kèm theo các triệu chứng rối loạn tâm thần khác bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định dùng các thuốc chống trầm cảm như imipramine, sertraline...

Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý- Ảnh 2.

Dưới sự giám sát của bác sĩ, các thuốc điều trị ADHD được coi là an toàn.

3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị tăng động giảm chú ý

Việc điều trị bằng thuốc chỉ kiểm soát được các triệu chứng nên khi ngừng dùng thuốc, các triệu chứng ADHD sẽ quay trở lại và ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng của trẻ. Vì vậy, điều trị bằng thuốc cần phải được tuân thủ trong thời gian dài hơn. Cha mẹ cũng cần học cách giám sát phù hợp việc uống thuốc của trẻ.

Phần lớn thuốc kích thích thần kinh có tác dụng kéo dài là dạng viên nang cần phải nuốt cả viên, không được bẻ hoặc nhai đối với trẻ khó nuốt cả viên thì có thể bọc thuốc vào thức ăn, để trẻ nuốt

Cố gắng cho trẻ uống thuốc cố định vào 1 thời điểm thuận tiện trong ngày như sau khi thức dậy vào buổi sáng (do thuốc bắt đầu có tác dụng khoảng nửa giờ sau khi uống, nên có thể lên lịch khoảng nửa giờ trước buổi học đầu tiên vào buổi sáng). Nếu có tác dụng phụ do buồn ngủ vào ban ngày, có thể uống vào buổi tối.

Khi bắt đầu sử dụng thuốc atomoxetine, bác sĩ sẽ kê đơn liều khởi đầu thấp, sau khi trẻ dần thích ứng với thuốc, bác sĩ sẽ điều chỉnh dần dần đến liều điều trị thích hợp. Do đó, điều trị bằng atomoxetine thường cần vài tuần để điều chỉnh liều thuốc và sau đó vài tuần để thuốc phát huy dần tác dụng điều trị.

Dưới sự giám sát của bác sĩ, các thuốc điều trị ADHD được coi là an toàn. Tuy nhiên, có những rủi ro và tác dụng phụ, đặc biệt là khi sử dụng sai hoặc dùng quá liều lượng quy định. Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần báo ngay cho bác sĩ kê đơn để kịp thời xử trí cho trẻ.

Theo suckhoedoisong.vn