1. Điều trị viêm tụy như thế nào?

1.1. Điều trị viêm tụy cấp

Với viêm tụy cấp nhẹ, được điều trị sớm, đúng cách thì tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn khá cao, tỉ lệ biến chứng và tử vong khoảng 1%.

Viêm tụy nặng, việc điều trị phức tạp hơn, tỉ lệ tử vong cao, khoảng 10-15%. Nếu viêm tụy cấp nhiễm trùng, tỉ lệ tử vong lên đến 35%. Do đó việc đánh giá mức độ viêm tụy là rất quan trọng trong lựa chọn phác đồ điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Các thuốc thường dùng:

- Thuốc giảm đau: Xử trí đầu tiên trong điều trị viêm tụy cấp là dùng thuốc giảm đau, bù dịch, chống sốc cho bệnh nhân.

Các thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc chống viêm không steroid, giảm đau nhóm opioids, thậm chí cả thuốc giảm đau tác dụng lên thần kinh trung ương có thể được chỉ định. Tùy từng tình trạng đau của bệnh nhân sẽ có chỉ định thuốc giảm đau cụ thể.

Theo đó, bệnh viêm tụy cấp thường gây ra những cơn đau dữ dội. Do đó giảm đau hiệu quả cần phải sử dụng opioid tĩnh mạch như hydromorphone hoặc fentanyl.

Thuốc giảm đau có thể gây ra tác dụng phụ như chóng mặt, phản ứng dị ứng hoặc lú lẫn, cần nên tránh nếu có tổn thương gan.

- Chống nôn: Đối với người bệnh buồn nôn và nôn cần dùng thuốc chống nôn.

- Dung dịch truyền tĩnh mạch để điều chỉnh các rối loạn nước, các chất điện giải thăng bằng kiềm toan, chú ý điều chỉnh ion calci, magnesium. Truyền dịch được thực hiện trong 24 giờ đầu tiên. Sau đó tùy mức độ nặng và bệnh lý kèm theo sẽ có chỉ định truyền tiếp hay không. Trong thời gian truyền dịch, bệnh nhân cần được theo dõi sát lượng nước tiểu, nồng độ ure máu, dung tích hồng cầu... để xác định chính xác lượng dịch truyền cần thiết.

- Thuốc giảm tiết dịch tụy: Để điều trị viêm tụy cần ức chế sự tiết dịch tuỵ, làm mất hoạt tính của dịch tụy đã bài tiết. Các thuốc giảm tiết dịch vị như cimetidin, ranitidin, famotidin, omeprazol có tác dụng gián tiếp giảm tiết dịch tuyến tụy có thể được chỉ định.

- Thuốc kháng sinh: Trường hợp viêm tụy cấp có dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh nhân cần được điều trị bằng kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng. Các thuốc kháng sinh có thể được chỉ định là ampicillin, imipenem/cilastatin…

Thuốc có thể có tác dụng phụ bao gồm: Tiêu chảy, khó thở, chóng mặt hoặc choáng váng, táo bón, khô miệng, lú lẫn và suy nhược. Mặc dù hiếm gặp nhưng một số người có thể gặp phản ứng dị ứng do dùng thuốc, dẫn đến nổi mề đay hoặc khó thở. Phản ứng dị ứng có thể đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, cần điều trị nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp:

- Cắt túi mật nếu viêm tụy cấp do sỏi mật.

- Điều trị tăng triglyceride máu nếu đây là nguyên nhân gây viêm tụy cấp.

leftcenterrightdel
 Người bệnh viêm tụy cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.

1.2. Điều trị viêm tụy mạn

- Kiểm soát đau: Kiểm soát đau là nhiệm vụ khó khăn nhất trong việc xử trí viêm tụy mạn. Đầu tiên, cần khuyến khích bỏ thuốc lá và kiêng rượu đối với bệnh nhân viêm tụy mạn nhằm cố gắng làm chậm sự tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt.

Phát hiện và điều trị các biến chứng có thể điều trị được của viêm tụy mạn như tắc nghẽn tá tràng hoặc tắc mật có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Bệnh nhân nên ăn một chế độ ăn ít chất béo (< 25g/ngày) để giảm sự tiết ra các enzym tụy.

Bổ sung men tụy có thể làm giảm đau mạn tính bằng cách ngăn chặn sự giải phóng cholecystokinin - một loại hormone từ tá tràng, do đó làm giảm sự tiết ra các enzym của tụy. Điều trị bằng enzym có nhiều khả năng thành công hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh ít tiến triển, ở phụ nữ và ở những bệnh nhân bị viêm tụy tự phát hơn là ở những bệnh nhân bị viêm tụy do rượu. Mặc dù liệu pháp enzyme thường được thử dùng vì độ an toàn và tác dụng bất lợi không đáng kể, nhưng nó có thể không mang lại lợi ích đáng kể trong việc cải thiện cơn đau.

Thường thì các biện pháp này không giảm đau, cần phải tăng lượng opioid, điều này làm tăng nguy cơ nghiện thuốc. Thuốc giảm đau hỗ trợ, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm ba vòng, gabapentin, pregabalin và thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, đã được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với opioid để kiểm soát đau mạn tính.

Glucocorticoid có thể được sử dụng để điều trị viêm tụy tự miễn.

Các phương pháp điều trị khác bao gồm điều trị bằng nội soi, thủ thuật tán sỏi, phong bế đám rối thần kinh tạng và phẫu thuật:

+ Liệu pháp nội soi là nhằm mục đích giải phóng ống tụy bị tắc nghẽn do hẹp, do sỏi, hoặc cả hai và có thể làm giảm đau.

+ Thủ thuật tán sỏi (tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi trong ống tụy) thường cần thiết để điều trị các khối sỏi tụy lớn hoặc sỏi tụy đút nút.

+ Phong bế cắt đám rối thần kinh qua đường nội soi bằng corticosteroid và thuốc tê tác dụng kéo dài có thể giúp giảm đau ngắn hạn ở một số bệnh nhân bị viêm tụy mạn.

+ Điều trị bằng phẫu thuật có thể có hiệu quả để giảm đau. Phương án phẫu thuật nên được chỉ định cho những bệnh nhân đã ngừng uống rượu và có thể kiểm soát được bệnh đái tháo đường bằng cách cắt tụy.

- Thay thế enzym tụy: Ở những bệnh nhân suy tụy ngoại tiết, tình trạng kém hấp thu chất béo nặng hơn tình trạng kém hấp thu protein và carbohydrate. Kém hấp thu chất béo cũng dẫn đến thiếu hụt các vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K). Liệu pháp thay thế enzym tụy (thay thế các hormone bị thiếu hụt để điều trị suy chức năng tuyến tụy) được sử dụng để điều trị chứng phân mỡ.

2. Người bệnh viêm tụy cần lưu ý gì?

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo với nhiều trái cây tươi và rau quả có thể giúp người bệnh duy trì cân nặng khỏe mạnh và kiểm soát các triệu chứng viêm tụy. Thực phẩm giàu chất sắt, chất chống oxy hóa, dầu lành mạnh và ít chất béo sẽ giúp giảm viêm trong cơ thể. Tránh tiêu thụ rượu cũng như thuốc lá, caffeine và axit béo.

Viêm tụy có thể làm cơ thể thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, vì vậy xét nghiệm máu có thể giúp xác định người bệnh có thiếu loại vitamin nào như A, C, D, E hoặc K hay không để bổ sung đầy đủ.

Theo suckhoedoisong.vn