1. Khô mắt là gì?
Khô mắt xảy ra khi tuyến lệ hoạt động kém, mất cân bằng, không đủ nước mắt tiết ra hoặc không đủ chất lượng cần thiết để duy trì sức khỏe của mắt.
Bệnh khô mắt mãn tính có thể làm hỏng các mô mắt và trong những trường hợp nghiêm trọng, dẫn đến sẹo giác mạc. Tổn thương này có thể gây mờ mắt, thậm chí mất thị lực.
Phụ nữ có nguy cơ mắc khô mắt cao gấp đôi so với nam giới. Phụ nữ đang mang thai, đang sử dụng một số biện pháp ngừa thai, liệu pháp thay thế hormone, hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh cũng có nhiều khả năng bị khô mắt hơn.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh khô mắt bao gồm:
- Tuổi tác
- Thay đổi nội tiết tố
- Phẫu thuật khúc xạ
- Viêm mí mắt
- Điều kiện môi trường, như dị ứng, tiếp xúc với khói hoặc khí hậu khô
- Kính áp tròng
- Một số loại thuốc (bao gồm cả những loại được sử dụng để điều trị các bệnh về mắt như bệnh tăng nhãn áp)
- Các bệnh lý tiềm ẩn như viêm khớp dạng thấp và một số bệnh tự miễn khác
Phụ nữ có nguy cơ mắc khô mắt cao hơn nam giới.
2. Các triệu chứng khô mắt
Các triệu chứng phổ biến của khô mắt, bao gồm:
- Cảm giác khô, châm chích
- Ngứa mắt
- Đỏ và viêm
- Nhạy cảm với ánh sáng và khói thuốc lá
- Tầm nhìn mờ thoáng qua
Đây là những biểu hiện của khô mắt, nhưng cũng có thể do các bệnh lý khác gây ra. Do đó, người bệnh cần phải được đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ nhãn khoa để xác định nguyên nhân chính xác của các triệu chứng thị lực này.
3. Thuốc điều trị khô mắt
Thuốc nhỏ mắt nhân tạo: Thuốc thay thế nước mắt tự nhiên không kê đơn được gọi là "nước mắt nhân tạo". Những loại thuốc nhỏ mắt này với thành phần chính là hydrogel có thể cải thiện độ ẩm, giữ nước và duy trì độ ẩm trên bề mặt nhãn cầu, tránh tình trạng khô mắt.
Nước mắt nhân tạo có nhiều nhãn hiệu khác nhau và các thành phần khác nhau, bao gồm cả chất bảo quản và phiên bản không chứa chất bảo quản. Sử dụng thường xuyên các chế phẩm này, đặc biệt là những chế phẩm có chất bảo quản, trong thời gian dài, có thể gây kích ứng hoặc thậm chí phản ứng dị ứng.
Dung dịch nước mắt nhân tạo không kê đơn không phải là phương pháp điều trị khô mắt, mặc dù chúng có thể làm giảm các triệu chứng. Cần thông báo với bác sĩ nhãn khoa trước khi sử dụng thuốc này hoặc bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào.
Nước mắt nhân tạo giúp giảm triệu chứng nhưng không phải là phương pháp điều trị khô mắt.
Thuốc nhỏ mắt kê đơn: Nếu nước mắt nhân tạo không đủ, thuốc nhỏ mắt kê đơn có thể giúp tăng tiết nước mắt và giảm viêm.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS): Thuốc NSAID có thể được sử dụng để giúp giảm bớt sự khó chịu liên quan đến bệnh khô mắt.
Thuốc nhỏ mắt steroid: Bệnh khô mắt gây viêm, có thể phải sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid trong thời gian ngắn. Những loại thuốc nhỏ mắt này có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm nhưng chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Điều chỉnh thuốc: Một số loại thuốc, như thuốc tăng nhãn áp, thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai và thuốc huyết áp có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng khô mắt.
Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để tìm giải pháp thay thế, nhưng không được tự ý ngừng thuốc.
Vitamin và các chất bổ sung: Nếu tình trạng khô mắt có liên quan đến các vấn đề về mắt như đeo kính áp tròng, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại vitamin hoặc chất bổ sung giúp giảm các triệu chứng khô mắt.
4. Làm gì để ngăn ngừa khô mắt?
Tránh điều kiện độ ẩm thấp: Nên tránh máy sấy tóc, gió mạnh và khói thuốc lá bất cứ khi nào có thể. Ngoài ra, hạn chế điều hòa không khí, máy sưởi…
Sử dụng máy tạo độ ẩm: Việc sử dụng máy tạo độ ẩm giúp giữ độ ẩm tự nhiên trong không khí và có thể giúp giảm các triệu chứng khô mắt.
Kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử: Khi sử dụng máy tính hoặc thiết bị điện tử khác, cần phải nhớ chớp mắt thường xuyên và cho mắt thường xuyên nghỉ ngơi (20 phút một lần).
Uống đủ nước: Cung cấp nước cho cơ thể và đôi mắt của mình bằng cách uống đủ nước.
Theo suckhoedoisong.vn