1. Thuốc kém chất lượng, thuốc giả khác nhau thế nào?

Thực tế, nhiều người còn nhầm lẫn giữa thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Tuy nhiên đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau:

1.1 Thuốc kém chất lượng

Là thuốc thật, nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. 

Thuốc kém chất lượng có nhiều nguyên nhân gây ra:

  •  Bảo quản thuốc không tốt dẫn đến thuốc bị ẩm, mốc… mặc dù thuốc vẫn còn hạn sử dụng.
  • Vận chuyển không đúng cách, không đảm bảo quy trình an toàn… dẫn đến thuốc có thể bị hỏng.
  • Thuốc đã hết hạn sử dụng.
  • Thuốc đã được phê duyệt, nhưng sau đó có bất thường nên bị thu hồi.
Thuốc giả, thuốc kém chất lượng - làm thế nào để nhận diện? - Ảnh 1.

Nhiều loại thuốc giả được sản xuất, người tiêu dùng cần cảnh giác, kiểm tra kỹ sản phẩm.

1.2 Thuốc giả

Là thuốc có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng sản xuất trái phép. 

Hoặc:

  • Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn.
  • Thuốc không đúng tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành.
  •  Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ.
  •  Quy trình sản xuất không bảo đảm…
  •  Được sản xuất, trình bày, dán nhãn bao bì mạo danh nhà sản xuất.
Thuốc giả, thuốc kém chất lượng - làm thế nào để nhận diện? - Ảnh 2.

Thuốc giả được sản xuất tinh vi khiến người tiêu dùng khó phát hiện.

Hiện nay, hầu hết các thuốc đều có nguy cơ bị làm giả: Từ thực phẩm chức năng, thuốc bổ đến các thuốc chữa bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng sinh, thuốc ung thư, thuốc kháng virus… Với công nghệ tinh vi, các thuốc giả này có thể được sản xuất với hình dáng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật mà bệnh nhân rất khó phát hiện.

2. Cách nhận diện thuốc kém chất lượng, thuốc giả

Trước hết cần mua thuốc ở các nhà thuốc có uy tín, đạt tiêu chuẩn "thực hành tốt nhà thuốc", tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi đặc biệt các thuốc được giao bán trên mạng internet.

Thuốc kém chất lượng: Khi mua thuốc cần quan sát kỹ thuốc, với những thuốc vẫn thường dùng, có thể phát hiện thuốc kém chất lượng qua các dấu hiệu:

- Xem kỹ bao bì, hạn sử dụng, nhà sản xuất.

- Kiểm tra mùi, màu, vị của thuốc. Nếu có nghi ngờ, cần hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.

- Có thể tự mình tra thông tin thuốc qua mã vạch hoặc số lô sản xuất.

Thuốc giả: Cảnh giác với giá thuốc rẻ, bán tại nơi không quen thuộc. Ngoài ra có thể kiểm tra thuốc theo hướng dẫn như sau:

- Gỡ nhãn trên hộp thuốc, bệnh nhân sẽ thấy một mã xác minh 15 ký tự.

- Xác minh ký tự thuốc trên web của nhà sản xuất.

- Sử dụng các công nghệ xác minh tem chống hàng giả. Bên ngoài bao tem chống hàng giả, băng keo niêm phong có bình thường hay đã bị giả mạo bằng cách tháo, lột ra.

- Thuốc giả thường có mẫu mã in chìm hơn, phông chữ khác thường, kích thước chữ, màu in khác và có thể có lỗi chính tả.

- Số lô thuốc ở thuốc giả thường bị làm mờ, khó đọc hoặc mập mờ không rõ.

- Hạn sử dụng ngoài bao bì và trên vỉ thuốc không thống nhất.

- Trong hộp/vỉ/lọ thuốc có những dấu hiệu:

  • Nhiều bột vụn thuốc trong vỉ do quy trình sản xuất không bảo đảm khiến thuốc dễ bị vỡ.
  • Màu sắc viên thuốc giả có thể khác thường, xuất hiện những vết lốm đốm, biến màu, không đồng nhất.
  • Kích thước, hình dáng của viên thuốc không đều nhau. Kích thước khác với thuốc thật.

Theo suckhoedoisong.vn