1. Các thuốc có thể dùng trong sốt xuất huyết tại nhà
Hiện chưa có thuốc kháng virus cụ thể để điều trị bệnh sốt xuất huyết. Các lựa chọn hỗ trợ điều trị sẽ dựa trên diễn biến lâm sàng và biến chứng...
Đối với sốt xuất huyết Dengue (nhóm A) không có dấu hiệu cảnh báo có thể ở nhà theo dõi, nghỉ ngơi tại giường, uống đủ nước, tôn trọng phản ứng sốt.
Chỉ hạ sốt khi sốt cao (trên 38,5 độ C), làm giảm tình trạng mệt mỏi, khó chịu và sốt liên quan đến bệnh, ưu tiên các biện pháp hạ nhiệt vật lý.
-Thuốc có thể dùng là paracetamol với liều 10-15mg/kg/lần, tối đa 4-6 lần/ngày, không quá 60mg/kg/24 giờ, kết hợp lau mát bằng nước ấm khi sốt cao.
Hiện có hàng trăm sản phẩm trên thị trường có chứa hoạt chất acetaminophen hay paracetamol, với nhiều dạng sử dụng như: Viên nén, viên sủi, viên đạn (đặt hậu môn), dạng bột, dạng dung dịch (hỗn dịch)… Do đó người bệnh cần đọc kỹ thành phần của thuốc, dùng đúng liều chỉ định và đặc biệt tuân thủ khoảng cách dùng thuốc. Không dùng hai sản phẩm có cùng hoạt chất sẽ dẫn đến quá liều thuốc, gây hại gan.
-Bù dịch bằng đường uống: Có thể dùng dung dịch bù nước điện giải như oresol. Hiện trên thị trường có gói bột pha với 200 ml và 1000 ml. Tùy theo từng loại, người bệnh cần pha đúng khuyến cáo, hướng dẫn của nhà sản xuất. Pha đặc hay loãng hơn khuyến cáo đều không có lợi. Lượng dịch khuyến cáo uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích dùng đường uống, không lạm dụng dịch truyền, đặc biệt không nên truyền dịch tại nhà sẽ tiềm ẩn nguy hiểm cho người bệnh.
-Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu; tránh thức ăn, uống có màu đỏ, đen, nâu…
Lưu ý, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu cảnh báo và các diễn biến bất thường; tái khám và làm xét nghiệm hằng ngày. Nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện điều trị.
Khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn, uống được
- Nôn nhiều
- Đau bụng nhiều
- Tay chân lạnh, ẩm
- Mệt lả, bứt dứt
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo
- Không tiểu trên 6 giờ (tiểu ít)
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoạc li bì…
2. Các thuốc hạ sốt, giảm đau không được dùng ở người sốt xuất huyết
Không sử dụng aspirin và ibuprofen trong điều trị sốt xuất huyết
-Aspirin: Đây là loại thuốc giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế enzyme COX, từ đó, ức chế sự tổng hợp các chất hóa học gây viêm đau như prostaglandin, thromboxan và các sản phẩm chuyển hóa khác.
Do aspirin có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu (là thuốc được bác sĩ kê đơn, chỉ định với mục đích hạn chế sự hình thành của cục máu đông, ngăn ngừa đau tim và nguy cơ đột quỵ… ), nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết trầm trọng hơn.
-Ibuprofen: Đây cũng là thuốc được sử dụng phổ biến để giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Mặc dù, tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu không mạnh như aspirin, nhưng cũng làm ảnh hưởng đến quá trình chảy máu trong sốt xuất huyết. Do vậy cũng không dùng thuốc này trong bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh các thao tác có thể dẫn đến xuất huyết; không cạo gió, cắt lể, châm cứu…; không truyền dịch nếu còn bù dịch được bằng đường uống.
Lưu ý, trong 3 ngày đầu các triệu chứng xuất hiện rầm rộ: Sốt cao liên tục, đau đầu, mỏi người dữ dội, nôn, tiêu chảy… Nhiều bệnh nhân sốt rất cao, hết thuốc lại sốt… Do đó, cần phối hợp nhiều biện pháp hạ sốt như dùng nước ấm lau người, phối hợp các bài thuốc của đông y… để tránh lạm dụng thuốc paracetamol (uống tăng liều, uống nhiều lần trong ngày…) dễ dẫn tới ngộ độc thuốc.
Từ ngày thứ 4,5,6 sốt bắt đầu lui nhưng có thể có diễn biến nặng nên người bệnh không được chủ quan. Theo đó, người bệnh cần phải tự phát hiện các dấu hiệu diễn biến nặng và theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo; đánh giá hàng ngày qua biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm để phát hiện các diễn biến nặng. Người bệnh cần nhập viện cấp cứu ngay nếu có dấu hiệu cảnh báo.
Các dấu hiệu cảnh báo trên lâm sàng xuất hiện ít nhất một trong các dấu hiệu sau:
- Vật vã, lừ đừ, li bì
- Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau vùng gan
- Nôn nhiều: ≥ 3 lần/1 giờ hoặc ≥ 4 lần/6 giờ.
- Xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, lợi, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
- Tiểu ít…
|
Theo suckhoedoisong.vn