1. Bản chất của thuốc long đờm

Theo ThS. BSCKII. Vũ Thị Dịu, Phó trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 19-8, trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, ho là một trong những vấn đề rất thường gặp, đặc biệt là ho có đờm. Về bản chất, ho có đờm là một phản ứng có lợi, giúp tống xuất đờm nhẩy ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu ho nhiều quá khiến người bệnh mệt mỏi, khó ngủ thì có thể được chỉ định sử dụng thuốc long đờm.

Thuốc long đờm, hay tên gọi khác là thuốc loãng đờm, có tác dụng làm long dịch tiết từ niêm mạc khí quản - phế quản. Khi sử dụng, thuốc làm thay đổi cấu trúc dịch nhầy, giảm độ đặc quánh của đờm nhầy trong phế quản. Nhờ đó, các chất đờm nhầy dễ dàng được tống ra ngoài bằng hệ thống lông chuyển hoặc bằng hành động khạc đờm.

2. Khi nào nên và không nên dùng thuốc long đờm?

Các thuốc long đờm có thể kể đến như acetylcystein, bromhexin, carbocysteine... Trong đó:

- Acetylcystein: Là hoạt chất thường được sử dụng cho trẻ nhỏ với khả năng làm lỏng chất nhầy đặc của đờm, dễ dàng ho khạc ra ngoài, làm thông thoáng đường hô hấp, từ đó cải thiện đáng kể triệu chứng ho ở trẻ.

- Carbocisteine: Có tác dụng làm tiêu nhầy, dùng trong các trường hợp viêm cấp hay mạn tính đường hô hấp trên và dưới đi kèm theo tăng tiết đờm nhầy đặc và dai dẳng như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản cấp và mạn tính...

- Bromhexin: Được sử dụng nhằm làm loãng đờm trong các bệnh phế quản phổi cấp và mạn tính có kèm theo rối loạn tiết chất nhầy bất thường. Thuốc còn được dùng như một chất bổ trợ với kháng sinh khi bị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp.

Khi bị ho kéo dài, kèm theo đờm đặc, gây ảnh hưởng đến công việc, chất lượng cuộc sống, người bệnh nên sử dụng thuốc long đờm để đờm lỏng hơn và dễ thoát ra khỏi phế quản hơn. Tuy nhiên, cần đi khám chuyên khoa hô hấp và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp nhẹ có thể không cần dùng đến thuốc.

Do tác dụng phụ của thuốc, những trường hợp sau đây không nên sử dụng thuốc long đờm, đặc biệt là khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Thuốc long đờm không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 2 tuổi bởi khả năng ho và tự kiểm soát việc tống xuất đờm nhớt của trẻ ở độ tuổi này là chưa tốt. Việc làm tiêu nhầy, long đờm, nhưng phản xạ ho khạc không tốt vô tình làm nặng thêm tình trạng của trẻ.

- Người có tiền sử viêm loét dạ dày: Bên cạnh cơ chế làm loãng dịch tiết tại đường hô hấp, thuốc đồng thời gây phá hủy hàng rào niêm mạc dạ dày, dẫn đến đau dạ dày, làm trầm trọng thêm bệnh loét dạ dày.

- Người bệnh hen: Thuốc long đờm có thể gây co thắt phế quản ở bệnh nhân hen phế quản và hen suyễn. Do đó cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc long đờm trên nhóm bệnh nhân này.

- Người suy nhược, quá yếu mệt hoặc không thể khạc đờm ra ngoài cũng không nên dùng thuốc long đờm vì sẽ làm tăng lượng đờm ở đường hô hấp khiến bệnh nặng hơn.

Thuốc long đờm nên sử dụng khi nào?- Ảnh 2.
 

Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc long đờm khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc long đờm

ThS. BSCKII. Vũ Thị Dịu cho biết, khi sử dụng thuốc long đờm, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Thuốc long đờm là thuốc điều trị triệu chứng, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Thời gian sử dụng thuốc thường kéo dài 5-7 ngày, người bệnh không nên lạm dụng, dùng dài ngày hơn thời gian này trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

- Nên kết hợp các biện pháp long đờm tự nhiên như mật ong, gừng, tỏi... Phối hợp vỗ rung hoặc hút đờm ở trẻ nhỏ (nếu cần thiết) để đờm có thể thoát ra ngoài dễ dàng hơn.

- Không dùng thuốc long đờm đồng thời với các thuốc chống ho hoặc thuốc làm giảm khả năng bài tiết dịch phế quản.

Theo suckhoedoisong.vn