Metformin là loại thuốc đầu tiên được kê đơn cho hầu hết bệnh nhân mới mắc bệnh đái tháo đường type 2. Với giá thành rẻ, có sẵn dưới dạng thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau). Metformin là một trong những loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

Tuy nhiên cũng như các loại thuốc điều trị khác, metformin có thể gây ra một số tác dụng phụ, phổ biến là tình trạng khó chịu về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy và đôi khi là nôn… rất dễ khiến người bệnh bỏ thuốc điều trị.

1. Tác dụng của thuốc trị đái tháo đường metformin

Metformin được dùng phổ biến dưới dạng thuốc viên uống (ít phổ biến hơn là dung dịch uống). Người bệnh có thể phải uống từ 1-3 lần mỗi ngày trong bữa ăn, hàng ngày.

Thuốc có tác dụng làm giảm lượng đường do gan tạo ra, tăng độ nhạy cảm với insulin và giảm lượng glucose hấp thụ từ thực phẩm khi ăn. Tác dụng kết hợp này giúp cải thiện lượng đường trong máu.

Metformin là tên gốc và thuốc cũng được bán dưới nhiều tên biệt dược khác nhau:

  • Glucophage
  • Glumetza
  • Glucophage XR
  • riomet
  • Fortamet

Ngoài ra, metformin đôi khi được kết hợp với các loại thuốc khác trong một viên duy nhất, ví dụ như: Janumet (sitagliptin và metformin), glucovance (glyburide và metformin)…

photo-1697437459254

Metformin là loại thuốc đầu tiên được kê đơn cho hầu hết bệnh nhân mới mắc bệnh đái tháo đường type 2.

2. Tác dụng phụ của metformin trị đái tháo đường

Thuốc trị đái tháo đường metformin có thể gây khó chịu cho dạ dày. Các tác dụng phụ về đường tiêu hóa bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và nôn… rất phổ biến và thường xảy ra ở 30% bệnh nhân dùng metformin.

Mặc dù hiếm khi được đề cập đến, nhưng cũng có bằng chứng cho thấy metformin trị đái tháo đường có thể gây ra 'tiêu chảy mạn tính khởi phát muộn', ngay cả ở những bệnh nhân đái tháo đường dùng cùng một liều lượng, trong nhiều năm mà không gặp vấn đề gì.

Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý, không được tự ý ngừng thuốc, tạm dừng, tự giảm liều lượng... khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

3. Tại sao metformin trị đái tháo đường gây tiêu chảy

Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn tại sao metformin lại gây rối loạn dạ dày, tiêu chảy. Tuy nhiên, một bài đánh giá về chủ đề này được đăng trên Tạp chí Diabetologia, đã thảo luận về cách mà thuốc có thể ảnh hưởng đến ruột gây tiêu chảy như:

  • Metformin có thể làm tăng hấp thu glucose ở ruột
  • Có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và trục ruột - não - gan
  • Tăng lượng axit mật trong ruột…

Tóm lại, metformin cải thiện khả năng dung nạp glucose trong ruột theo nhiều cách khác nhau, làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện kết quả bệnh đái tháo đường, nhưng cũng có thể dẫn đến một số vấn đề về đường tiêu hóa. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề này, hãy trao đổi với bác sĩ để có thể lựa chọn các biện pháp ứng phó phù hợp.

4. Cách khắc phục tiêu chảy do thuốc trị đái tháo đường metformin

4.1 Hãy thử công thức giải phóng kéo dài của thuốc trị đái tháo đường metformin

Metformin dạng giải phóng kéo dài ít có khả năng gây khó chịu dạ dày hơn. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, khoảng 40% bệnh nhân dùng metformin giải phóng ngay (nhanh) thường xuyên gặp phải các tác dụng phụ (đặc biệt là tiêu chảy, khó tiêu và đầy hơi), nhưng những người dùng viên nén giải phóng kéo dài với liều tương đương, các tác dụng phụ này giảm một nửa.

Nếu người bệnh đang sử dụng công thức dạng phóng thích ngay lập tức và bị tác dụng phụ tiêu chảy cản trở việc dùng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ để có thể chuyển sang dùng dạng thuốc giải phóng kéo dài.

4.2 Dùng metformin trị đái tháo đường với liều thấp hơn

Trong một nghiên cứu về metformin mô tả về "mối quan hệ giữa liều lượng và đáp ứng" cho thấy, càng dùng nhiều thì tác dụng của nó càng mạnh và ngược lại. Do đó, liều metformin thấp hơn sẽ gây ra tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy mà đối với các bệnh nhân đái tháo đường mới, các bác sĩ thường kê đơn liều thấp nhất có hiệu quả, rồi mới tăng dần liều lượng (khi cần).

Trong nghiên cứu năm 2017, những người tham gia dùng nửa liều metformin phóng thích kéo dài gặp tác dụng phụ "không đáng kể", mà vẫn mang lại tác dụng hạ đường huyết (được đo bằng mức giảm A1C).

Do đó, hãy hỏi bác sĩ về việc giảm liều lượng thuốc trị đái tháo đường, thậm chí trong một số trường hợp có thể cần ngừng dùng thuốc hoàn toàn trong một khoảng thời gian. Điều quan trọng là dùng liều thấp nhất có thể mà vẫn mang lại hiệu quả tốt trong kiểm soát đường huyết, không gây đau bụng, tiêu chảy hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng này.

Thuốc trị đái tháo đường phổ biến gây tiêu chảy khắc phục thế nào? - Ảnh 3.

Đau bụng, tiêu chảy do thuốc trị đái tháo đường metformin rất thường gặp…

4.3 Dùng thuốc trị đái tháo đường metformin trong bữa ăn

Thuốc trị đái tháo đường metformin - đặc biệt là dạng bào chế giải phóng ngay - được dùng trong bữa ăn. Một số nhãn có thể khuyên nên uống một ly nước. Người bệnh đừng bỏ qua những lưu ý nhỏ này, vì nó giúp giảm tình trạng đau dạ dày do thuốc trị đái tháo đường.

Ngoài ra, khi uống metformin trị tiểu đường đều đặn - vào cùng thời điểm và trong khi ăn cũng giúp giảm các triệu chứng này.

4.4 Điều trị triệu chứng tiêu chảy do metformin

Tiêu chảy đôi khi nghiêm trọng nếu để bị mất nước nhiều. Do đó, cần bổ sung dung dịch nước điện giải.

Hydrat hóa là điều quan trọng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường. Tình trạng mất nước do tiêu chảy hoặc nôn có thể khiến việc quản lý đường máu không chỉ khó khăn hơn mà còn nguy hiểm hơn. Do đó, uống nhiều nước, đồng thời cân nhắc các loại đồ uống có thể giúp thay thế chất điện giải…

Ngoài ra, có thể dùng thuốc trị tiêu chảy theo chỉ định của bác sĩ.

4.5 Có thể chuyển đổi sang dùng thuốc trị đái tháo đường khác

Mỗi người bệnh lại dung nạp một loại thuốc trị đái tháo đường khác nhau. Đối với người không dung nạp metformin hoặc gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, có thể phải đổi sang dùng loại thuốc trị đái tháo đường khác phù hợp hơn.

Hiện có rất nhiều loại thuốc trị đái tháo đường, không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt mà còn giúp giảm cân và bảo vệ tim, thận... Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn lựa chọn dùng sang thuốc khác, nếu metformin không phù hợp.

4.6 Kiên trì sử dụng thuốc

Nếu tác dụng phụ gây khó chịu nhưng có thể chấp nhận được, tốt nhất bạn nên tiếp tục dùng thuốc và tiếp tục hưởng các lợi ích của thuốc.

Đối với hầu hết mọi người, tiêu chảy và đầy bụng sẽ bắt đầu cải thiện chỉ sau vài tuần sử dụng thuốc. Do đó, người bệnh vẫn có thể kiên trì và tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Theo suckhoedoisong.vn