Chứng đau thượng vị (dạ dày) do vị uất hỏa thuộc phạm vi vị quản thống trong Y học cổ truyền.

Vị uất hỏa thuộc chứng nhiệt tà nhập vào kinh tỳ vị, bệnh để lâu không trị không chỉ gây đau vùng thượng vị mà còn có biểu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, miệng hôi, nóng cổ, chán ăn, ăn không tiêu.

Nguyên nhân liên quan đến người vốn nóng vị nhiệt lại hay ăn khô, cay, nóng, bổ, béo, khó tiêu khiến vị uất hỏa.

Phép trị chủ yếu thanh vị nhiệt, dưỡng âm, khai uất, giáng hỏa…

Người bệnh cần ăn uống bổ mát, dễ tiêu, hạn chế thức ăn mặn, khô, cay nóng, tránh căng thẳng thần kinh.

Nếu chứng vị nhiệt uất hỏa để lâu không trị ảnh hưởng xấu đến chức năng tỳ vị và sức khỏe toàn thân.

3 bài thuốc hay chữa đau dạ dày - Ảnh 2.

Chi tử - chủ dược trong bài Tả hoàng ẩm gia giảm chữa đau dạ dày.

Dưới đây là 3 bài thuốc hay chữa vị uất hỏa:

1. Bài Tả hoàng ẩm gia giảm chữa đau dạ dày

Dùng trong trường hợp vị nhiệt uất hỏa mới bị.

Bài thuốc gồm các vị: Chi tử 12g, thạch cao 20g, hoắc hương 21g, phòng phong 12g, thạch hộc 14g, cam thảo 12g.

Cách chế biến, cách dùng: Các vị tẩm rượu sao thơm, tán nhỏ, mỗi lần uống 4-8g, hoặc sắc uống ngày1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Tác dụng: Tả tỳ vị uất nhiệt… trị chứng tỳ vị nhiệt hỏa uất, nhiệt kết trung tiêu, đau thượng vị, miệng táo, môi khô, hôi phiền nhiệt dễ đói, tỳ nhiệt lưỡi thường thè ra.

Tỳ là cơ quan hấp thu thức ăn tạo huyết hậu thiên, khi tỳ vị nhiệt uất được thanh giải, tỳ vị âm được tư dưỡng vận hóa tốt, huyết dịch nuôi dưỡng tỳ vị đầy đủ, các chứng liên quan vị tích nhiệt cũng giảm.

Kiêng kỵ: Chứng tỳ vị hư hàn đang bị lạnh bụng, đi tiêu lỏng không dùng.

Phương giải:

  • Thạch cao, chi tử tả vị nhiệt.
  • Phòng phong sơ tán phục hỏa…cũng có nghĩa hỏa uất.
  • Thạch hộc tư âm, trừ nhiệt, ích dạ dày, sinh tân dịch.
  • Hoắc hương lý khí hòa trung…
  • Cam thảo hòa trung tả hỏa, hòa dược…

Gia giảm:

  • Nếu nhiệt miệng, răng lợi chảy máu gia tâm vị nhiệt, gia hoàng liên, hoàng bá.
  • Nếu người gầy âm huyết hư gia sinh địa, bạch thược, tăng vị dưỡng âm.
  • Nếu nóng sốt về chiều âm huyết hư gia hoàng bá, tri mẫu.
  • Nếu tiểu vàng buốt gắt thấp nhiệt gia tri mẫu, hoàng bá.

3 bài thuốc hay chữa đau dạ dày - Ảnh 4.

Cây sinh địa cho ta vị thuốc sinh địa trong bài Thanh nhiệt cứu âm gia giảm trị đau dạ dày.

2. Bài Thanh nhiệt cứu âm gia giảm

Dùng trong trường hợp biểu hiện gầy nóng, đi cầu táo khó, da khô sần.

Các vị thuốc trong bài gồm: Sinh địa 20g, tri mẫu 14g, thạch cao 14g, thiên hoa phấn 14g, mạch môn 12g, nhân sâm 12g, xích thược 14g, đơn bì 12g, kim ngân 12g, liên kiều 14g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống. Uống khi thuốc còn ấm. Trẻ nhỏ dùng liều 1/2 liều người lớn.

Tác dụng: Thanh nhiệt, sinh tân, nhuận tràng, thông tiện... trị chứng vị nóng nhiệt, miệng khô khát, cầu táo khó, da khô sần ngứa, nhiệt miệng răng lợi hay chảy máu, trẻ em gầy gò, khó tăng cân…

Khi tỳ vị nhiệt được thanh giải, âm huyết được tư dưỡng, âm huyết đại tràng được tư nhuận, bớt táo khó, như vậy vị hết nhiệt, can tự nhiên thư thái, các chứng liên quan vị nhiệt tự khỏi.

Kiêng kỵ: Chứng tỳ hư hàn ăn kém, lạnh bụng, đầy bụng, chậm tiêu, đang bị đi tiêu chảy không dùng.

3 bài thuốc hay chữa đau dạ dày - Ảnh 5.

Đương quy - vị thuốc chủ dược trong bài Tiêu giao gia giảm chữa đau dạ dày.

3. Bài Tiêu giao gia giảm

Dùng trong trường hợp có các biểu hiện đau thượng vị lan hông sườn, ợ hơi chua.

Thành phần bài thuốc gồm: Đương quy 16g, bạch thược 16g, thương truật 12g, phục linh 14g, sài hồ 12g, thanh bì 12g, hoàng liên 12g, bán hạ 8g, chích thảo 6g, sinh khương 12g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Hoặc làm hoàn uống, viên bằng hạt ngô đồng, ngày uống 10-15 viên/lần, 2 lần một ngày.

Tác dụng: Kiện tỳ vị, khai uất nhiệt, dưỡng huyết … trị chứng tỳ vị hư uất nhiệt, vận hóa kém sinh hỏa nhiệt uất trệ.

Khi tỳ vị kiện vận, khai uất, thêm vị thuốc khai uất nhiệt giúp tỳ vị hóa thấp, uất nhiệt cũng giảm, tỳ vị sinh huyết, can hòa, huyết thông huyết, chứng đau thượng vị do uất nhiệt tự khỏi.

Kiêng kỵ: Chứng thực nhiệt, miệng khô khát, cầu táo khó, tiểu buốt gắt.

Theo suckhoedoisong.vn