1. Sâm Ấn Độ (Ashwagandha)
Ashwagandha là một loại thảo mộc được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc và y học Ayurvedic, được tìm thấy ở các khu vực khô hạn như Ấn Độ, Trung Đông và các vùng của châu Phi - được quảng cáo là giúp cơ thể chống lại căng thẳng và mất ngủ…
Ashwagandha cũng được sản xuất dưới dạng thực phẩm bổ sung.
Ashwagandha có thể làm giảm đường máu.
Tuy nhiên, ashwagandha có thể tương tác với nhiều loại thuốc bao gồm:
1.1 Thuốc trị đái tháo đường
Dùng ashwagandha cùng với thuốc trị đái tháo đường (để giảm lượng đường trong máu) có thể làm tăng nguy cơ đường huyết thấp (hạ đường huyết). Một số loại thảo mộc đã được chứng minh là hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường như ashwagandha, nhưng việc dùng chúng cùng với các loại thuốc có cùng tác dụng, có thể dẫn đến lượng đường trong máu quá thấp.
1.2 Thuốc điều trị cao huyết áp
Có nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng, ashwagandha có thể làm giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, khiến những người dùng thuốc hạ huyết áp cùng với ashwagandha có nguy cơ bị hạ huyết áp (huyết áp quá thấp).
1.3 Thuốc ức chế miễn dịch
Nghiên cứu trên người đã chỉ ra rằng ashwagandha có thể kích thích hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng ashwagandha có thể làm giảm hiệu quả của việc ức chế miễn dịch gây ra bởi cyclophosphamide, một loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư và hội chứng thận hư.
2. Hoa cúc tím (Echinacea)
Hoa cúc tím có thể tương tác bất lợi với các thuốc chống viêm steroid.
Echinacea có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch, do đó có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc làm giảm miễn dịch, chẳng hạn như steroid (prednisone)...
3. Cây Ban âu (St. John's Wort)
St. John's Wort là một loại thực vật có nguồn gốc từ châu Âu có hoa màu vàng, 5 cánh hình ngôi sao. Các chất bổ sung có tác dụng với các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Tuy nhiên, St. John's wort có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc như:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc tránh thai
- Cyclosporine (thuốc chống thải ghép)
- Digoxin (thuốc điều trị suy tim)
- Oxycodone (thuốc giảm đau)
- Một số loại thuốc điều trị HIV như indinavir
- Một số loại thuốc điều trị ung thư như irinotecan
- Warfarin (chất làm loãng máu)
Bên cạnh đó thuốc cũng có thể tương tác với các loại thuốc trị đau nửa đầu thông thường như sumatriptan và zolmitriptan và làm tăng nguy cơ hội chứng serotonin với các biểu hiện như: Lo lắng, kích động, bồn chồn; nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, run, nôn, tiêu chảy; tăng trương lực cơ… đôi khi đe dọa tính mạng.
Cây Ban âu.
4. Lời khuyên dùng thảo dược, chất bổ sung an toàn
Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thảo dược hoặc kết hợp chất bổ sung và gặp bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào, nên ngừng sử dụng chất thảo dược, chất bổ sung và đi khám.
Các phản ứng nghiêm trọng tiềm ẩn có thể bao gồm:
- Da ngứa, phát ban hoặc nổi mề đay
- Sưng cổ họng, môi hoặc lưỡi
- Thở khò khè hoặc khó thở
- Ngất xỉu
- Đau ngực hoặc nhịp tim không đều
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
- Khó đi tiểu, giảm đi tiểu hoặc nước tiểu sẫm màu
- Có máu trong nước tiểu, phân, chất nôn hoặc đờm
- Chảy máu bất thường từ mũi hoặc nướu răng
- Mệt mỏi
- Ăn mất ngon
- Vàng da hoặc mắt
- Đau khớp, cơ hoặc đau bụng dữ dội
Nếu không chắc chắn về sự kết hợp của thảo dược, chất bổ sung với nhau hoặc kết hợp thảo dược, chất bổ sung với thuốc mà người bệnh đang dùng, bạn nên trao đổi với bác sĩ, để đánh giá sự kết hợp này xem có an toàn không?
Nếu có ý định dùng chất bổ sung, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ và cho họ biết những chất bổ sung và loại thuốc bạn dùng. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với những người đang mang thai hoặc cho con bú cũng như trẻ em, vì những nhóm đối tượng này có thể dễ bị ảnh hưởng bởi các tác hại tiềm ẩn do thuốc hơn.
Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về các chất bổ sung bạn dùng, nếu gần đây bạn đã hoặc sắp phải phẫu thuật. Một số chất bổ sung có thể có tương tác tiêu cực với các loại thuốc bạn cần dùng trước, trong hoặc sau khi phẫu thuật và chế độ dùng thuốc của bạn có thể cần được thay đổi trong thời gian này.
Theo suckhoedoisong.vn