Thời tiết chuyển mùa, các bé có cơ quan hô hấp và hệ miễn dịch phát triển chưa đầy đủ nên nguy cơ mắc bệnh cao, tiến triển bệnh nhanh hơn người lớn. Do đó, biết cách quản lý những triệu chứng này tại gia đình là vô cùng cần thiết.
1. Các vị thuốc giảm ho, sốt, tiêu đờm ở trẻ
Bên cạnh các thuốc uống của tây y, một số vị dược liệu cũng có tác dụng cải thiện tình trạng ho, sốt, đờm kéo dài ở trẻ nhỏ. Những vị thuốc này không chỉ hiệu quả mà còn gần gũi với cuộc sống hàng ngày, bố mẹ có thể áp dụng ngay tại nhà cho trẻ.
1.1. Hẹ
Hẹ là một loại thảo dược phổ biến được sử dụng trong nhiều món ăn, nổi tiếng với hương vị hơi giống hành và màu xanh tươi sáng. Chất odorin trong hẹ có tác dụng kháng sinh, khá bền vững và giữ được tác dụng tốt dù xay, ép, hấp... tuy nhiên sẽ mất tác dụng khi sắc (đun).
Hẹ còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, bao gồm vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các nhiễm trùng.
Cách sử dụng: Hẹ không cay và nồng như tỏi, hành nên dễ dùng cho trẻ em. Có thể xay hẹ rồi trộn với cháo, bột hoặc hấp cách thủy với đường phèn.
Liều dùng hàng ngày: 20-30g.
1. 2. Húng chanh
Húng chanh là một loại thảo dược được trồng nhiều nơi ở Việt Nam làm rau gia vị, có mùi thơm dễ chịu như mùi chanh, vị trước thơm sau hắc, mát. Nghiên cứu tác dụng của tinh dầu húng chanh cho kết quả kháng sinh mạnh với nhiều loại vi trùng phổ biến. Húng chanh có thể giúp giảm triệu chứng ho và làm giảm sự khó chịu do sốt, giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn.
Cách sử dụng: Dùng 5-7 lá húng chanh tươi, rửa sạch, ngâm vào nước muối, sau đó cho trẻ nhai và ngậm. Nếu trẻ chưa nhai được có thể giã nát, pha với nước nguội, gạn bỏ phần bã rồi cho trẻ uống. Ngoài ra, húng chanh còn được dùng kết hợp với lá sả, lá khuynh diệp, lá ổi, lá hương nhu, lá gừng... nấu nước để xông giải cảm, trị ho cũng rất tốt.
1.3. Trần bì
Trần bì là vỏ quýt phơi khô, được cho là phơi càng lâu càng quý. Trần bì tính ôn, quy vào hai kinh tỳ, phế, có tác dụng kiện tỳ, lý khí, táo thấp, hóa đờm; giúp trẻ tiêu đờm và ăn ngon miệng hơn.
Cách sử dụng: Trần bì 12g sắc với 200ml nước, khi còn 100ml nước thì ngừng sắc, thêm đường cho trẻ dễ uống, uống dần trong ngày.
Ngoài ra, khi trẻ có triệu chứng sốt, cha mẹ cần biết cách xử trí đúng. Khi nhận thấy trẻ bị sốt, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để xác định nguyên nhân gây bệnh vì sốt có thể là triệu chứng của nhiều bệnh cảnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, nhiễm trùng nặng... Bố mẹ không nên xem thường các triệu chứng này và nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế ngay lập tức.
Khi trẻ chưa thể đến cơ sở y tế ngay, người lớn cần liên tục theo dõi nhiệt độ của trẻ. Với những cơn sốt ở mức độ vừa và nhẹ, trẻ có thể được hạ sốt bằng các phương pháp không dùng thuốc như lau người, chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, bổ sung dung dịch điện giải (oresol, nước dừa…).
Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, có khả năng dẫn đến co giật nguy hiểm, trẻ cần được dùng thuốc hạ sốt để giảm nhiệt độ cơ thể xuống mức bình thường.
Loại thuốc thường dùng cho trẻ em là loại có thành phần paracetamol (acetaminophen). Khi trẻ sốt, người lớn cho trẻ uống liều từ 10-15mg/kg cân nặng của trẻ. Mỗi lần dùng cách nhau 4-6 giờ, riêng trẻ bị suy thận, khoảng cách giữa 2 liều dùng tối thiểu 8 giờ.
2. Phòng ngừa ho, sốt cho trẻ
- Phòng tránh nhiễm lạnh: Để phòng ngừa các triệu chứng ho, sốt ở trẻ khi thời tiết giao mùa, cha mẹ cần chú ý tới việc mặc quần áo phù hợp với thời tiết cho trẻ. Khi thời tiết trở lạnh, lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc đủ ấm, phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài.
- Dinh dưỡng tốt: Trẻ cần được ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với miễn dịch chung cho trẻ. Do đó, cần phải bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho trẻ trong một chế độ ăn cân đối, chú ý cho trẻ uống đủ nước.
- Vệ sinh tốt: Rửa tay cũng là một trong những cách hữu hiệu để phòng chống các bệnh hô hấp nói chung. Tuy là bệnh đường hô hấp nhưng đường lây quan trọng của các bệnh này là qua trung gian bàn tay nhiễm bẩn. Do đó, cần cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Khi đi ngoài trời gió, bụi, cần chú ý đeo khẩu trang cho trẻ để ngăn gió và bụi, đồng thời giữ ấm vùng mũi miệng cho trẻ. Mặt khác, cần tránh để trẻ tiếp xúc gần với người lớn hay trẻ khác đang cảm ho – dù chỉ là cảm ho thông thường. Khi trẻ sốt, ho, phụ huynh không tự ý mua thuốc về tự điều trị. Hãy cho trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Tóm lại, khi thời tiết thay đổi khiến nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, ho và sốt ở trẻ em tăng lên. Việc bố mẹ và người chăm sóc trẻ nắm được cách quản lý những triệu chứng này là rất quan trọng.
Mặc dù các biện pháp tự nhiên như hẹ, húng chanh và trần bì có thể hiệu quả trong việc giảm triệu chứng, nhưng vẫn nên tìm kiếm lời khuyên y tế khi cần. Chăm sóc đúng cách và tìm kiếm sự giúp đỡ y tế kịp thời có thể giúp trẻ phục hồi nhanh chóng và tránh nguy cơ mắc các biến chứng tiềm năng.
Theo suckhoedoisong.vn