Cây hương thảo hay còn gọi là cây Rosemarry là một phần của họ thực vật Lamiaceae cùng với các cây khác như bạc hà, tía tô đất, húng quế, lá kinh giới cay (oregano). Trà hương thảo được biết đến với nhiều công dụng cho sức khỏe và mùi thơm cũng như hương vị đặc trưng.
Dưới đây là 6 tác dụng sức khỏe tiềm ẩn của trà hương thảo đối với sức khỏe cũng như những lưu ý khi sử dụng loại trà này.
1. Công dụng của trà hương thảo đối với sức khỏe
Những công dụng sức khỏe dưới đây dựa trên các nghiên cứu được công bố trên NCBI, nếu băn khoăn xem trà hương thảo có phù hợp với bạn hay không, bạn có thể tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng hay bác sĩ để được tư vấn.
|
|
Cây hương thảo hay còn gọi là cây Rosemarry là một phần của họ thực vật Lamiaceae (Ảnh: Internet) |
1.1. Giàu chất chống oxy hóa giúp kháng khuẩn và chống viêm
Mùa hè mưa nắng thất thường khiến hệ miễn dịch dễ bị tấn công hơn bởi các loại virus và vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, đau mắt đỏ, cảm cúm,... Trà hương thảo giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi stress, oxy hóa và viêm - là nguyên nhân hàng đầu của các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim và tiểu đường type 2.
Các hợp chất chống oxy hóa của trà hương thảo được tìm thấy chủ yếu là polyphenolic bao gồm axit rosmarinic và axit carnosic. Trong đó, axit rosmarinic cũng thường được sử dụng như một chất bảo quản tự nhiên giúp tăng thời hạn sử dụng cho các thực phẩm dễ hỏng.
Ngoài 2 hợp chất trên thì theo Y học cổ truyền, lá hương thảo có đặc tính kháng khuẩn, giúp chống lại nhiễm trùng và chữa lành vết thương hiệu quả.
|
|
Trà hương thảo có nhiều công dụng đối với sức khỏe (Ảnh: Internet) |
1.2. Hỗ trợ giảm lượng đường trong máu
Tiểu đường không kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng tại mắt, tim, thận và hệ thần kinh (cả nội biên và ngoại biên). Do vậy, việc kiểm soát đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hợp chất axit carnosic và axit rosmarinic có trong trà hương thảo giúp hỗ trợ giảm lượng đường trong máu tương tự như insulin với cơ chế tăng hấp thụ glucose vào tế bào cơ và có thể trở thành hợp chất tiềm năng đối với người bị tiểu đường có đường huyết cao. Tuy vậy, các nghiên cứu này vẫn còn hạn chế trên người.
1.3. Cải thiện tâm trạng và trí nhớ
Một nghiên cứu cho thấy uống 500mg hương thảo 2 lần/ngày trong vòng 1 tháng có thể làm giảm đáng kể mức độ lo lắng, cải thiện trí nhớ và chất lượng giấc ngủ so với giả dược. Trên thực tế đã có những nghiên cứu khác cho rằng chỉ cần ngửi mùi hương thảo cũng có lợi trong việc cải thiện sự tập trung, hiệu suất làm việc và tâm trạng căng thẳng.
|
|
Chiết xuất hương thảo có công dụng như vậy nhờ việc thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn đường ruột (Ảnh: Internet) |
Chiết xuất hương thảo có công dụng như vậy nhờ việc thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn đường ruột và giảm viêm ở vùng hải mã (là một cấu trúc đôi thuộc hệ limbic, định khu ở thùy thái dương giữa. Tổn thương vùng hải mã ở người dẫn tới suy giảm trí nhớ cụ thể và tổn thương vùng này trên động vật gây giảm khả năng học tập một số hoạt động định hướng về không gian).
Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều nghiên cứu trên người hơn để xác định chính xác nồng độ cần thiết và các tác dụng phụ khác liên quan.
1.4. Cải thiện tiêu hóa
Uống trà hương thảo có thể hỗ trợ tiêu hóa bằng cách kích thích sản xuất các enzym tiêu hóa và lưu lượng mật. Điều này có khả năng hỗ trợ quá trình phân hủy thức ăn, tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng và làm giảm các triệu chứng như đầy hơi và khó tiêu.
|
|
Uống trà hương thảo có thể hỗ trợ tiêu hóa bằng cách kích thích sản xuất các enzym tiêu hóa và lưu lượng mật (Ảnh: Internet) |
1.5. Giữ cho cơ thể "ngậm nước"
Giữ nước là một nguyên tắc quan trọng trong mùa nóng và có liên quan chặt chẽ tới sức khỏe tổng thể. Uống trà hương thảo với hương vị đặc trưng và mùi thơm sản khoái giúp tăng lượng nước và thúc đẩy quá trình hydrat hóa, từ đó cũng hỗ trợ các chức năng cơ thể khác nhau.
1.6. Bảo vệ mắt
Theo một nghiên cứu được công bố trên Investigative Ophthalmology and Visual Science, một chất hóa học xuất hiện tự nhiên trong cây hương thảo thông thường là axit rosmarinic đã được tìm thấy để bảo vệ mắt khỏi thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác. Hơn nữa, loại thảo mộc này có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa cũng được biết đến để cải thiện thị lực.
Tuy nhiên, nghiên cứu này sử dụng chiết xuất hương thảo cô đặc nên chúng ta chưa thực sự biết được công dụng của trà hương thảo đối với sức khỏe thị lực cũng như mức độ cần uống để đạt được các lợi ích như của nghiên cứu.
|
|
Không nên uống quá nhiều trà hương thảo cùng lúc (Ảnh: Internet) |
2. Tương tác thuốc với trà hương thảo
Cũng giống như nhiều loại thảo mộc khác, một số người cần cẩn trọng khi uống trà hương thảo do khả năng tương tác với thuốc của nó. Theo Healthline, những loại thuốc có nguy cơ tương tác cao nhất với trà hương thảo bao gồm:
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc ức chế men chuyển trong điều trị huyết áp cao
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc Lithium trong điều trị trầm cảm, hưng cảm và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang điều trị bệnh và muốn uống trà hương thảo để được tư vấn phù hợp.
Ngoài ra nếu uống trà hương thảo quá nhiều cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như nôn mửa, co thắt dạ dày hoặc khó tiêu.
3. Cách pha trà hương thảo
Chuẩn bị: Bạn có thể chuẩn bị lá hương thảo tươi hoặc khô cùng với nước sạch. Nếu muốn tạo thêm hương vị, thêm mật ong, chanh hoặc các chất làm ngọt khác.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá hương thảo để loại bỏ bụi bẩn hay các vụn lá rồi cho vào bình/ấm trà.
- Đun sôi nước và đổ vào bình/ấm pha trà đã chuẩn bị.
- Ngâm lá hương thảo trong nước sôi từ 5 - 10 phút, nếu muốn hương vị đậm hơn bạn có thể ngâm lá hương thảo trong thời gian lâu hơn rồi lọc lá lấy nước trà.
- Với nước trà đã lọc bạn có thể uống ngay hoặc pha thêm mật ong, chanh hoặc chất làm ngọt đẻ tăng hương vị.
Nhìn chung, trà hương thảo có nhiều công dụng đối với sức khỏe và có thể là thức uống thích hợp cho mùa hè hoặc bất cứ mùa nào trong năm nếu bạn muốn tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm nhiễm, cải thiện hệ tiêu hóa,... Đối với việc thử các loại trà mới, bạn nên uống từ từ để kiểm tra có các dị ứng bất thường nào không và nên dừng lại ngay nếu có các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn, khó thở, sưng nề...
Châu Anh/Nguồn: Tổng hợp