Trong Đông y người ta chia hà thủ ô thành 2 loại: Hà thủ ô tươi và hà thủ ô chế.

- Hà thủ ô tươi còn gọi sinh hà thủ ô đã phơi khô. 

- Hà thủ ô chế còn gọi hà thủ ô chín đã qua quá trình chế biến.

Theo y học cổ truyền muốn dùng hà thủ ô như một thứ thuốc bổ, thì cần sử dụng hà thủ ô đã qua chế biến cẩn thận.

1. Cách chế biến hà thủ ô

Hà thủ ô mua về rửa sạch, đem ngâm nước vo gạo một ngày đêm; rửa sạch. Sau đó: Mỗi 1kg hà thủ ô cần dùng 100g đậu đen. Cho đậu đen vào nồi, đổ khoảng 2 lít nước, nấu cho đậu đen chín nhừ rồi chắt lấy nước. Trộn hà thủ ô với nước đỗ đen, cho vào đồ đựng không chế bằng sắt, đặt vào nồi hấp đến khi nước đỗ đen thấm hết vào các miếng hà thủ ô, sau đó phơi hoặc sấy khô.

Muốn chế biến kỹ hơn có thể làm theo cách nói trên bằng phương pháp "cửu chưng cửu sái": 9 lần nấu hà thủ ô với nước đậu đen, 9 lần phơi (sấy).

photo-1657801594140

Cây và củ hà thủ ô (sinh hà thủ ô).

2. Đặc điểm và công dụng chữa bệnh với hà thủ ô

Hà thủ ô tươi (sinh thủ ô) ngoài bề mặt màu nâu đỏ hoặc da lươn, nhiều nếp nhăn nheo không phẳng, mặt cắt màu nâu đỏ nhạt, lộ rõ tinh bột, phần vỏ có những ống nhỏ quấn vòng quanh tạo thành hình tròn và nhiều hình thù kỳ dị, hình thành một loại hoa văn theo kiểu cẩm vân, phần gỗ ở giữa khá to, có chỗ thấy cả lõi gỗ. 

Hương nhẹ, vị hơi đắng và chát, thường dùng chữa bệnh ngoài da (lở ngứa sưng đau), bệnh đường tiêu hóa (táo bón), tràng nhạc, sốt rét lâu ngày.

Hà thủ ô chín (qua bào chế) bề mặt mầu nâu đen hoặc nâu, lồi lõm không đều. Chất rắn, mặt cắt như chất sừng, có những đường nhăn đa hình dạng. Hương nhẹ, vị hơi ngọt mà đắng chát dùng để bồi bổ dùng trong các trường hợp khí hư, huyết hư (suy nhược cơ thể, đầu choáng, mắt hoa, tai ù, râu tóc bạc sớm, lưng gối đau mỏi…).

3. Món ăn bài thuốc từ hà thủ ô

3.1. Cháo hà thủ ô, gạo tẻ

Thành phần: Hà thủ ô chế 15g, gạo tẻ 30 - 60g

Cách dùng: Cho hà thủ ô vào ấm ninh nhừ, bỏ bã lấy nước nấu cháo ăn.

Công dụng: Dùng để chữa các chứng khí huyết bất túc, sắc mặt vàng vọt, chân tay đau nhức, chân nhũn bất lực, thân thể gầy yếu.

3.2. Cháo hà thủ ô, rau cần

Thành phần: Hà thủ ô chế 50g, rau cần 100g, thịt nạc băm 50g, gạo lức 100g

Cách dùng: Hà thủ ô bỏ vào ấm đất sắc đặc lấy nước, bỏ thịt nạc, gạo lức vào nấu cháo, thêm muối, mì chính, gia vị vào là ăn được.

Công dụng: Dùng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch, làm chậm quá trình xơ cứng động mạch.

Món ăn bài thuốc với hà thủ ô - Ảnh 3.

3.3 Cháo hà thủ ô, táo tầu

Thành phần: Hà thủ ô chế 30g, táo tầu 3 quả, gạo lức 100g, đường phèn vừa phải.

Cách dùng: Hà thủ ô sắc lấy nước bỏ bã, cho gạo lức, táo tầu đường phèn vào nấu thành cháo. Ăn vào hai bữa sớm, tối.

Công dụng: Dùng cho người thiếu máu, suy nhược thần kinh, người cao tuổi gan thận bất túc, âm huyết suy tổn dẫn tới đầu váng, tai ù, mỡ máu cao, xơ cứng động mạch, đại tiện táo kết..

3.4 Hà thủ ô, sơn thù du hầm trứng gà

Thành phần: Hà thủ ô chế 30g, trứng gà 3 quả, sơn thù du 9g

Cách dùng: Hà thủ ô chế và sơn thù du sắc lấy nước, bỏ bã, cho trứng gà vào nấu chín. Ăn trứng uống nước thuốc, ngày hai lần sớm, tối; uống liền 3-5 ngày.

Công dụng: Dùng để chữa sa dạ con.

3.5 Hà thủ ô nấu với trứng gà

Thành phần: Hà thủ ô chế 60g, trứng gà 2 quả

Cách dùng: Cho nước vào hầm chung. Trứng chín thì đập bỏ vỏ, bỏ vào nồi đun thêm một lát. Ăn trứng uống thang.

Công dụng: Dùng cho người huyết hư thể nhược, đầu váng mắt hoa, râu tóc bạc sớm, di tinh, rụng tóc, khí hư quá nhiều, huyết hư, táo bón.

3.6 Hà thủ ô ninh gà

Thành phần: Hà thủ ô chế 30g nghiền bột, gà mái một con

Cách dùng: Gà thịt rửa sạch. Đựng bột hà thủ ô vào túi vải, đặt vào trong bụng gà, thêm nước vừa phải, ninh chín, lấy túi thuốc ra, cho mắm muối gừng sống, rượu gia vị vừa phải là được. Ăn thịt uống nước thuốc.

Công dụng: Dùng cho người huyết hư, can âm hư biểu hiện nhức đầu, hoa mắt, mất ngủ, mắc bệnh trĩ, sa dạ con.

Theo suckhoedoisong.vn