1. Đặc điểm của cây bạc hà
Cây bạc hà rất dễ trồng, đặc biệt tốt trên loại đất sét có nhiều mùn, sau đó đến loại đất cát. Mùa xuân và mùa thu khi trồng bạc hà sẽ cho năng suất cao; có thể trồng bằng hạt hay bằng thân. Sau 3 - 4 tháng có thể thu hoạch. Một năm thu hoạch 3 - 4 lần.
Khi hái về cần bó lại từng bó, phơi chỗ mát cho khô hoặc nếu cất tinh dầu thì cất ngay hoặc để hơi héo cất kéo bằng hơi nước. Tinh dầu bạc hà là một chất lỏng, không màu hoặc màu vàng nhạt, có mùi đặc trưng rất mạnh, vị cay, sau mát.
Bạc hà có tên khác: Kim tiền bạc hà, thạch bạc hà, liên tiền thảo...
Tên khoa học: Mentha arvensis Linn. Bộ phận dùng cả cây, có thể dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
2. Tác dụng của bạc hà
Sách Dược tính bản thảo ghi: Bạc hà thông ngũ quan, đỡ đau xương, dễ thoát mồ hôi, tiêu gió độc, dẹp khí nóng giận, tan huyết ứ, khỏi đi lỵ.
Sách Tùy đức cư ẩm thực phả ghi: Bạc hà tan gió độc, khỏi nhức đầu, mát mắt, khỏi các chứng đau cổ họng và răng lợi, giáng khí, tiêu cơm, tiêu đờm, khỏi phiền uất tránh các uế khí, tà khí, sang nhọt sẩn ngứa….
Sách Bản thảo cầu chân Hoàng cung tú ghi: Bạc hà khí vị cay mát chuyên vào can và phế vì cay nên phát tán và thông khí dùng để chữa các chứng nhức đầu, phát nhiệt sợ rét và ác khí, đờm kết trong bụng
Bạc hà.
Bạc hà chứa tinh dầu và thành phần chủ yếu trong tinh dầu là menthol bốc hơi rất nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ, được dùng trong một số trường hợp đau dây thần kinh. Ngoài ra còn có tác dụng sát khuẩn thường dùng trong một số bệnh ngoài da, xoa bóp nơi sưng đau, bệnh tai mũi họng.
Bạc hà có tác dụng làm tiêu viêm và giảm đau. Tuy nhiên việc sử dụng tinh dầu bạc hà và menthol bôi mũi họng phải hết sức thận trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Bạc hà và tinh dầu bạc hà hay menthol uống với liều rất nhỏ cũng có thể gây hưng phấn, kích thích trung khu thần kinh, làm mạch máu giãn nở, thúc đẩy sự bài tiết của tuyến mồ hôi, làm cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp. Liều lớn có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê liệt phản xạ và ngăn quá trình lên men bình thường trong ruột.
Bạc hà là một vị thuốc chữa loét dạ dày, giảm bài tiết dịch vị và giảm đau.
3. Bài thuốc chữa bệnh từ bạc hà
4.1 Giải cảm, chữa viêm họng, viêm mũi, ho, rát cổ: Bạc hà 30g, lá tràm 50g, lá đại bi 20g, kinh giới 10g, hương nhu, hạt mùi, an tức hương. Các dược liệu làm khô, ngâm cồn 80 độ trong 10-15 ngày. Thỉnh thoảng lắc đều, chắt lấy cồn. Hòa an tức hương đã tán nhỏ, lọc. Khi dùng lấy nửa thìa café thuốc cho vào 1 cốc đổ nước sôi vào. Dùng xông và hít.
Cây, vị thuốc an tức hương.
4.2. Chữa chảy máu cam: Bạc hà tươi giã lấy nước nhỏ vào mũi hoặc dùng lá bạc hà sắc lấy nước thấm bông nhét vào.
4.3. Chữa ong đốt: Lá bạc hà tươi giã nát đắp vào nơi tổn thương.
4.4. Chữa mắt mờ: Lá bạc hà ngâm nước gừng một đêm sắc nước rửa.
4.5. Chữa phong khí vào người sinh ngứa da: Bạc hà, thuyền thoái (xác ve sầu) lượng bằng nhau, tán nhỏ hòa rượu nóng uống, mỗi lần 4g.
4.6. Trừ nôn thông mật hỗ trợ tiêu hóa: Lá bạc hà hay toàn cây bạc hà bỏ rễ 5g pha vào 200ml nước sôi, cách 3 giờ uống một lần. Có thể dùng cồn bạc hà theo công thức kể trên để uống thay, mỗi lần từ 5 - 10 giọt.
4.7. Chữa cảm mạo nhức đầu: Lá bạc hà 6g, kinh giới 6g, phòng phong 5g, bạch chỉ 4g, hành hoa 6g. Nước sôi đổ vào, chờ 20 phút, uống lúc đang nóng.
Theo suckhoedoisong.vn