1. Đặc điểm và công dụng của cây bồ công anh
Bồ công anh thuộc loài cây họ cúc. Thân mọc thẳng, nhẵn, không cành hoặc rất ít cành. Lá có nhiều hình dạng: Lá ở phía dưới to và dài hơn, dài khoảng 30cm, rộng 5-6cm, gần như không cuống, có răng cưa lớn xen lẫn răng cưa nhỏ, sâu, thưa, không đều - tựa như xẻ thùy, đầu chót nhọn;
Lá ở phía giữa và phía trên ngắn và hẹp hơn; lá ở ngọn giống như mũi mác, mép nguyên, không chia thùy. Bấm vào lá và thân đều thấy tiết ra nhũ dịch màu trắng đục như sữa, vị hơi đắng. Hoa màu vàng rực rỡ.
Để làm thuốc, lá bồ công anh hái về dùng tươi hoặc dùng khô. Có thể dùng cả cây, cả rễ, cắt nhỏ phơi khô, bảo quản dùng dần.
Theo Đông y: Bồ công anh tính lạnh, vị đắng ngọt, lợi về kinh gan và dạ dày; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát huyết, tiêu các khối u, thông sữa, thanh gan, sáng mắt.
Thường dùng chữa đau mắt đỏ, sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ hay đinh râu, viêm đường hô hấp, viêm dạ dày, ăn uống kém tiêu.
2. Bài thuốc chữa bệnh từ bồ công anh
2.1 Chữa hói đầu
Bồ công anh 150g, đậu đen 500g. Sắc kỹ lấy nước, lọc bỏ bã, cho đường phèn vừa đủ vào, cô lại cho khô. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 50g.
2.2 Thuốc uống thông sữa
Bồ công anh 60g tươi, rửa sạch, thêm ít muối xay, lọc lấy nước uống, bã thuốc bọc trong vải sạch đắp lên vú. Thường chỉ dùng 2 thang là hiệu nghiệm.
2.3 Chữa mụn trứng cá
Bồ công anh 15g, sơn tra 12g, kim ngân hoa 15g, chỉ xác sao 10g, hổ trượng 12g, đại hoàng tẩm rượu 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng 1 lần tối 1 lần.
2.4 Chữa viêm dạ dày
Bồ công anh 30g, nhục quế 5g, cam thảo 6g, hoàng bá 10g, chung nhũ thạch 30g. Nghiền chung thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g.
2.5 Chữa đau mắt đỏ
Bồ công anh 40g, dành dành 12g. Sắc uống trong ngày.
2.6 Thuốc chữa quai bị
Bồ công anh tươi 30g, giã đắp lên chỗ đau.
2.7 Hỗ trợ chữa viêm gan cấp tính
Bồ công anh 20g, xa tiền tử 10g, nhân trần 30g, bản lam căn 15g, tử thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang , chia 2 lần sáng 1 lần tối 1 lần.
Theo suckhoedoisong.vn