1. Trà có thực sự tốt cho hệ tiêu hóa?
Các vấn đề về tiêu hóa khi đi du lịch có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm không dung nạp thực phẩm, căng thẳng, có các vấn đề về giấc ngủ, dị ứng, uống rượu bia, những thay đổi trong thói quen sinh hoạt, thiếu tập thể dục, bệnh mạn tính…
Biểu hiện thường gặp trên hệ tiêu hóa trong những ngày du lịch là táo bón, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn…
TS. Kellyann Petrucci, chuyên gia sức khỏe đường ruột tại Thụy Sỹ cho biết, theo một Đánh giá có hệ thống về Chất dinh dưỡng năm 2019 tại Anh, uống trà có thể cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và giúp bù đắp sự mất cân bằng của vi khuẩn do béo phì hoặc chế độ ăn nhiều chất béo gây ra.
Một số loại trà thảo dược như trà gừng, trà bạc hà và trà thì là có thể đặc biệt có lợi. Các nghiên cứu trên tạp chí dạ dày và gan của Châu Âu và Phytomedicine (tạp chí quốc tế về liệu pháp thực vật và thực vật học) đã chỉ ra rằng gừng, bạc hà và thì là đều có những đặc tính độc đáo có thể cải thiện sức khỏe tiêu hóa, mặc dù rất ít các nghiên cứu đã được thực hiện để khám phá những lợi ích của những loại trà này một cách cụ thể.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, uống trà có lợi sức khỏe tiêu hóa lâu dài. Ví dụ, một nghiên cứu trên tạp chí dinh dưỡng lâm sàng của Mỹ cho thấy những người uống một lượng trà 'trung bình' (khoảng ba lần một tuần trong hơn sáu tháng) ít có nguy cơ bị ung thư đường tiêu hóa so với những người không uống trà.
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, trà thực sự tốt cho hệ tiêu hóa.
2. Các loại trà thảo dược nên bỏ túi khi đi du lịch
2.1 Trà bạc hà
Bạc hà có chứa một hợp chất gọi là tinh dầu bạc hà. Chính thành phần hoạt tính này làm cho trà bạc hà trở thành một phương thuốc hữu hiệu cho các vấn đề tiêu hóa. Bạc hà giúp giảm đau bụng và các triệu chứng khác liên quan đến hội chứng ruột kích thích (IBS).
Bạc hà cũng giúp thư giãn thực quản và ruột, giúp ngăn ngừa chứng khó tiêu và buồn nôn.
2.2 Trà gừng
Gừng có rất nhiều lợi ích cho tiêu hóa. Nó thường được dùng trong ba tháng đầu của thai kỳ, giúp làm dịu cơn buồn nôn và ngăn ngừa nôn mửa.
Trà gừng cũng giúp điều trị nhiều biểu hiện tiêu hóa như đau bụng, say tàu xe, khó tiêu và buồn nôn.
2.3 Trà thì là
Thì là có rất nhiều công dụng, bao gồm làm dịu các vấn đề về tiêu hóa. Là một chất chống viêm và kháng khuẩn, trà thì là giúp khôi phục sự cân bằng trong ruột và kích thích tiêu hóa khỏe mạnh.
Ngoài ra, thì là có hiệu quả chống lại nhiều dạng vi khuẩn có hại, bao gồm cả những vi khuẩn gây tiêu chảy và khó tiêu. Nó cũng làm giảm các triệu chứng của IBS, bao gồm cả đau bụng.
2.4 Trà bồ công anh
Các thành phần trong rễ cây bồ công anh thúc đẩy quá trình tiêu hóa bằng cách giúp thức ăn tiêu hóa một cách nhịp nhàng, đẩy lùi cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
Rễ bồ công anh còn giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng chống lại chứng viêm, thường là nguyên nhân gây ra các vấn đề về đường ruột.
Rễ bồ công anh chứa nhiều thành phần thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
2.5 Trà atiso
Atiso chứa một loại chất xơ gọi là inulin, tan trong nước, giúp giảm tình trạng táo bón, tốt cho hệ tiêu hóa. Do vậy, uống trà atisô thường xuyên giúp tăng cường vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
2.6 Trà cam thảo
Với vị ngọt tự nhiên, cam thảo là một bổ sung hấp dẫn cho bất kỳ loại trà thảo mộc nào. Nó cũng giúp hỗ trợ sức khỏe đường ruột và đã được sử dụng như một phương thuốc thảo dược trong nhiều thế kỷ.
Giống như atiso, cam thảo rất tốt để bảo vệ gan và giữ cho gan hoạt động tốt, bảo vệ cơ thể khỏi độc tố. Cam thảo là một phương thuốc hiệu quả cho chứng khó tiêu và giúp làm dịu chứng trào ngược axit cũng như chứng ợ nóng.
2.7 Trà nghệ
Được biết đến với đặc tính chống viêm, nghệ là một thành phần trà thảo mộc khác tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa.
Thành phần hoạt chất chính trong nghệ là curcumin. Chất chống oxy hóa này có thể giúp giảm các triệu chứng của nhiều tình trạng tiêu hóa, bao gồm cả hội chứng ruột kích thích và viêm ruột kết.
Bổ sung nghệ giúp cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột, giúp tiêu hóa thức ăn và ngăn ngừa bệnh lý tiêu hóa.
Theo suckhoedoisong.vn