1. Thành phần bài thuốc 'Đạt nguyên ẩm'
Theo cuốn "Ôn Dịch luận" của tác giả Ngô Hựu Khả biên soạn năm 1642, thành phần bài thuốc "Đạt nguyên ẩm' gồm: Binh lang 16 gam; thảo quả nhân 4 gam; thược dược 12 gam; cam thảo 6 gam; hậu phác 8 gam; tri mẫu 8 gam; hoàng cầm 12 gam.
2. Dạng bào chế
Đây là liều lượng dạng thuốc sắc, ngày uống 1 thang, người bệnh uống khi thuốc còn ấm, chia 2 lần sau ăn sáng và chiều. Liệu trình uống từ 1-3 thang.
Thầy thuốc phải theo dõi sát quá trình diễn biến của bệnh nhân để có hướng xử trí kịp thời.
Ngoài ra bài thuốc có thể bào chế dạng cao lỏng để tiện dùng và các hoạt chất thuốc được chiết xuất tối ưu.
3. Công dụng bài thuốc 'Đạt nguyên ẩm'
Gia giảm: Người bệnh bị táo bón, hãm đại hoàng 6 gam (khoảng 2 lát) với 200 ml nước sôi 100 độ C, uống đến khi đi ngoài được thì dừng, có thể uống ngày 2 lần như vậy nếu vẫn táo bón – nhằm đẩy tà nhanh ra ngoài theo đường đại tiện.
4. Phân tích bài thuốc theo 'Ôn dịch luận' trị COVID-19
- Binh lang: Có thể tiêu, có thể diệt, trừ phục tà, là vị thuốc sơ lợi, lại trừ Lĩnh Nam chướng khí.
- Hậu phác: Phá Lệ khí khi bị kết.
- Thảo quả: Vị cay mãnh liệt, khí mạnh, trừ phục tà chiếm cứ.
|
|
Quả cau cho vị thuốc binh lang trong bài thuốc 'Đạt nguyên ẩm' trị COVID-19. |
Ba vị hiệp lực, trực tiếp đạt đến sào huyệt, làm tà khí bị đánh tan, nhanh chóng ra khỏi mạc nguyên, do đó bài thuốc được gọi là Đạt nguyên.
- Do nhiệt làm thương tân dịch, dùng tri mẫu để tư âm. Do nhiệt làm thương dinh huyết, dùng bạch thược để hòa huyết; hoàng cầm thanh táo dư nhiệt; cam thảo dùng để hòa trung tiêu.
Bốn vị thuốc vừa có tác dụng điều hòa bài thuốc, trị khát và đàm ẩm, nâng cao tác dụng trị bệnh của bài thuốc.
Tùy thực tế diễn biến lâm sàng và cơ địa bệnh nhân, bài thuốc cần được gia giảm và bào chế cho phù hợp.
Với Ôn dịch bệnh cần theo dõi sát lưỡi (Thiệt chẩn) để gia giảm bài thuốc cho phù hợp. Ôn dịch khi người bệnh rêu lưỡi trắng dầy như có phấn được dùng bài thuốc này rất hiệu quả.
5. Ứng dụng bài thuốc theo 'Ôn dịch luận'
Khi người bệnh mắc chứng Ôn bệnh là do 'Lệ khí' vô hình, từ miệng mũi mà xâm nhập vào cơ thể, phục tại Mạc nguyên, tà ở giữa khoảng bán biểu bán lý. Bệnh nhân có biểu hiện đầu tiên là sợ lạnh, phát nhiệt, sau đó chỉ phát nhiệt mà không sợ lạnh, đau đầu, đau người, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác hoặc hoạt sác.
Nguyên tắc "Năng tri dĩ vật chế khí, nhất bệnh chi hữu nhất dược chi đáo bệnh dĩ" tức là có thể biết lấy dược vật để chế khí, một bệnh chỉ có một bài thuốc để trị khỏi.
Ôn dịch đã dùng các bài thuốc Đạt nguyên ẩm, Tam tiêu ẩm và bài thuốc điều trị các thể bệnh theo quá trình chuyển biến của Ôn dịch.
Theo hướng dẫn số 4539 ngày 25/9/2021 của Bộ Y tế về "Hướng dẫn tạm thời sử dụng Y dược cổ truyền để phòng chống dịch COVID-19": Bài thuốc Đạt nguyên ẩm, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định xét nghiệm RT-PCR dương tính hoặc test nhanh kháng nguyên dương tính, nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
Theo hướng dẫn số 08 ngày 08/2/2022 của Hội Đông y Việt Nam về việc "Ban hành hướng dẫn lần thứ 2 sử dụng Y học cổ truyền trong phòng chống Ôn dịch COVID - 19 do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2)": Bài thuốc Đạt nguyên ẩm được dùng cho người bệnh mức độ nhẹ: Người bệnh COVID – 19 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy…
Trên nguyên tắc: Thầy thuốc đông y căn cứ vào tình hình bệnh lý của bệnh nhân và thực tế địa phương trên tinh thần phát huy '4 tại chỗ' để quyết định các phương thuốc điều trị phù hợp nhất, đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất với sức khỏe người bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn