Buổi sáng uống nước lá tía tô với gừng vừa chống viêm nhiễm vừa đẹp da?
Cập nhật lúc 23:09, Thứ tư, 23/11/2022 (GMT+7)
Tôi nghe nói buổi sáng uống nước lá tía tô với gừng vừa chống viêm nhiễm vừa đẹp da có đúng không? Nếu đúng thì cách làm thế nào? (B.Diệu, ở TP.HCM).
Th.S-BS Nguyễn Thị Quý; Th.S-BS Trần Thu Nga, Phòng khám Da - Thẩm mỹ y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 trả lời:
Trước hết chúng ta cần tìm hiểu về tác dụng của từng loại dược liệu:
Gừng (Zingiber officinale) là một loài thực vật thuộc họ Zingiberaceae, có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Chiết xuất gừng được chứng minh là ức chế elastase có nguồn gốc từ nguyên bào sợi (là nguyên nhân góp phần hình thành các nếp nhăn), đã được báo cáo là có thể ngăn ngừa sự mất độ đàn hồi của da do tia UV-B gây ra. Trong một nghiên cứu khác, việc giảm các dấu hiệu lão hóa da đã được quan sát thấy ở những người sử dụng kem dưỡng thể dầu gừng trong 4 tuần, có thể là do hoạt động chống oxy hóa của cây.
|
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng gừng và các thành phần hoạt tính sinh học của gừng có hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm
|
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng gừng và các thành phần hoạt tính sinh học của gừng có hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng vi rút. Các nghiên cứu từ lâu cũng đã chỉ ra rằng gừng và các hợp chất hoạt tính khác nhau của nó có hoạt tính chống viêm. Hoạt tính chống viêm của chiết xuất gừng được phát hiện là lớn hơn đáng kể so với diclofenac ở cùng nồng độ. Tương tự như hành và tỏi, chất chiết xuất từ gừng có thể ức chế quá trình đông máu trong ống. Gừng có ít tác dụng phụ và chỉ có các tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo bao gồm chứng ợ nóng và tiêu chảy.
|
Lá tía tô được sử dụng như một loại thuốc truyền thống để điều trị trầm cảm, lo âu, khối u, ho, dị ứng
|
Lá tía tô có được sử dụng như một loại thuốc truyền thống để điều trị trầm cảm, lo âu, khối u, ho, dị ứng. Chiết xuất từ tía tô đã được báo cáo có chứa các hợp chất hoạt tính sau: flavonoid, anthocyanin, hợp chất dễ bay hơi, triterpenes, phytosterol, axit béo tocopherols, policosanols, axit rosmarinic, luteolin và axit dayic. Tía tô làm tăng sinh tế bào sừng do đó chúng có thể chống lại sự lão hóa của tế bào sừng và nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chiết xuất từ lá tía tô có thể được sử dụng để điều trị tổn thương tế bào sừng do tiếp xúc với tia UVB từ đó có tác dụng chống lão hóa cho da. Có nghiên cứu cho thấy chiết xuất lá tía tô làm ngăn chặn tình trạng viêm da dị ứng, cũng như làm giảm các tổn thương da giống bệnh vẩy nến.
Như vậy rõ ràng lá tía tô và gừng khi sử dụng có thể cải thiện tình trạng viêm nhiễm cũng như chống lão hóa da. Tuy nhiên hiện tại chưa có 1 nghiên cứu nào trên con người về động học của gừng và các thành phần của nó cũng như tác động của việc tiêu thụ trong một thời gian dài. Liều dùng tía tô thích hợp phụ thuộc vào một số yếu tố như tuổi tác, sức khỏe và một số bệnh lý nền của người dùng. Các nghiên cứu đều sử dụng chiết xuất lá tía tô, không sử dụng lá tươi do đó tại thời điểm này, không có đủ thông tin khoa học để xác định một phạm vi liều lượng thích hợp cho tía tô. Nên việc sử dụng nước gừng và tía tô để uống hằng ngày là chưa có bằng chứng khoa học và không có khuyến cáo cụ thể.
Bạn nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn trước khi dùng bất cứ thuốc gì, kể cả là thảo dược. Tránh tình trạng bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng thuốc kéo dài, tích luỹ liều độc gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, việc sử dụng các thuốc thảo dược phải phù hợp với thể bệnh, mỗi cơ địa sẽ khác nhau, không nên nghe theo những quan niệm dân gian để sử dụng cho bản thân khi chưa có khuyến cáo từ thầy thuốc.
Theo Thanh niên