Thời tiết nồm ẩm gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em.

1. Cách phòng bệnh khi trời nồm ẩm

Trong thời tiết nồm ẩm hiện nay, để phòng chống bệnh, các gia đình nên:

- Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân: Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là ủi đồ trước khi mặc, tránh các nấm mốc, các bệnh ngoài da.

- Giữ vệ sinh môi trường sống: Làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá. Làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn.

- Chế độ ăn và tập luyện: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

- Những người có bệnh mạn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt, không để yếu tố môi trường kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Cách chăm sóc bảo vệ cơ thể trong thời tiết nồm ẩm- Ảnh 1.

Canh gà nấu bí xanh giúp tăng sức đề kháng khi thời tiết nồm ẩm.

2. Tăng sức đề kháng trong những ngày nồm ẩm

Một số món ăn giúp tăng sức đề kháng, phòng tránh bệnh vào những ngày nồm ẩm:

- Canh gà nấu bí xanh: Thịt gà 300g, bí xanh 500g, đảng sâm 10g, ý dĩ nhân 20g, gừng 6g, hành 10g, muối 4g, mì chính 2g.

Chế biến: Đảng sâm sấy tán bột, ý dĩ xát vỏ rửa sạch, thịt gà rửa sạch, bí gọt vỏ rửa sạch thái nhỏ, hành gừng rửa, bắc nồi đun to lửa, nước vừa đủ, cho thịt gà nấu sôi hớt bọt, cho ý dĩ, gừng, hành củ. Thịt chín nhừ, cho bí xanh, đảng sâm, sôi lại chuyển nhỏ lửa, tới chín nhừ, cho gia vị.

Công dụng: Bổ trung ích khí, kiện tỳ lợi thấp, tiêu thũng nhẹ người.

Phạm vi dùng: Tỳ vị hư nhược, ăn kém, mệt mỏi, hay ngủ, phân loãng, chân tay, mặt phù thũng...Người béo thể hư có thể giảm béo. Phù hợp ăn vào những ngày trời ẩm thấp, giao mùa.

Cách dùng: Ăn kèm trong bữa.

Cách chăm sóc bảo vệ cơ thể trong thời tiết nồm ẩm- Ảnh 2.

Thịt gà nấu đông trùng hạ thảo dùng tốt trong những ngày thời tiết ẩm thấp.

- Thịt gà nấu đông trùng hạ thảo: Thịt gà 250g, đông trùng hạ thảo 9g, rượu, muối, hành gừng... vừa đủ.

Chế biến: Thịt rửa sạch thái nhỏ, đông trùng hạ thảo rửa sạch cho hai thứ vào nồi đất, cho gừng, rượu, hành, nước vừa đủ, đun to lửa tới sôi, chuyển đun nhỏ lửa tới thịt chín nhừ, cho gia vị là được.

Công dụng: Bổ hư tổn, ích ngũ hư.

Phạm vi dùng: Cơ thể hư nhược, hư lao...

Cách dùng: Ăn kèm trong bữa, dùng tốt vào những ngày thời tiết thay đổi, ẩm thấp.

- Canh ý dĩ nhân nấu bí xanh: Bí xanh 500g, ý dĩ nhân ngâm nở 100g, gừng 10g, hành củ 3g, hành lá 7g, rượu 5g, muối 2g, mì chính 1g, dầu ăn 10g.

Chế biến: Bí gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng, gừng rửa sạch, đập dập. Ý dĩ rửa sạch, hành rửa sạch bó lại, bắc nồi, đun lửa vừa, nước đun sôi cho bí, ý dĩ nhân, hành, rượu. Nấu chín, vớt hành củ gừng ra, cho dầu ăn, muối, mì chính, hành hoa vào.

Công dụng: Thanh nhiệt lợi thủy, trừ thấp kiện tỳ, giảm béo.

Phạm vi dùng: Người béo phì, thủy thũng, tiểu bất lợi, phòng tránh cơ thể suy yếu vào những ngày trời nồm ẩm.

Cách chăm sóc bảo vệ cơ thể trong thời tiết nồm ẩm- Ảnh 3.

Ý dĩ kết hợp với bí xanh phòng tránh cơ thể suy yếu trong tiết trời nồm ẩm.

- Dưa gang nấu trứng muối: Dưa gang 500g, táo đỏ 5-7 quả, đậu xanh 60g, trứng vịt muối 3 quả, miến 200-250g.

Chế biến: Dưa gọt vỏ bỏ hạt, rửa sạch thái lát cho vào nồi, nước vừa đủ, đun to lửa, sôi 15 phút cho trứng, miến, sôi thì cho táo đỏ, sôi lại cho gia vị là được.

Công dụng: Thanh thử lợi thấp, thanh phế hóa đờm.

Phạm vi dùng: Chứng thử thấp với người nóng sinh miệng khát, ho có đờm đặc, đầu nặng, mệt mỏi, đi tiểu ngắn đỏ, rêu lưỡi trắng nhầy, cúm dịch, viêm phế quản, viêm phổi dị ứng mùa nồm ẩm, thay đổi thời tiết.

Cách dùng: Dùng trong bữa ăn hàng ngày.

Theo suckhoedoisong.vn