1. Công dụng của cam thảo

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, ở nước ta tên cam thảo dùng để chỉ 3 vị thuốc khác nhau: Cam thảo bắc, cam thảo dây và cam thảo đất. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến cam thảo bắc.

Cam thảo bắc còn có tên gọi khác là bắc cam thảo, cam thảo, sinh cam thảo, quốc lão. 

Tên khoa học Clycyrrhiza uralensis Fish và Glycyrrhiza glabra L. Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papillionaceae). Vị ngọt, tính bình, quy 12 kinh mạch.

Tên cam thảo lý giải tên gọi là loại cây cỏ có vị ngọt.

Cam thảo – vị thuốc thông dụng, chữa loét dạ dày và ruột - Ảnh 2.
 

Cây cam thảo bắc.

Hoạt chất chính trong cam thảo là chất glyxyridin (glycyrrhizin) với tỉ lệ 6-14%, có khi tới 23%. Glyxyridin là muối canxi và kali của acid glyxyrizic.

Trong y học, ngoài công dụng làm cho thuốc ngọt dễ uống, làm tá dược chế thuốc viên, thuốc ho, thuốc giải độc, cam thảo còn có công dụng chữa loét dạ dày và ruột, bệnh suy tuyến thượng thận.

2. Một số bài thuốc từ cam thảo

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số bài thuốc có cam thảo như sau:

Chữa ho tiêu đờm: Cát cánh 8g, cam thảo 20g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 2 lần uống trong ngày.

Chữa loét dạ dày: Cao cam thảo 2 phần, nước cất một phần, hòa tan. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa nhỏ. Không uống quá 3 tuần lễ.

Chữa tỳ vị khí hư: Nhân sâm 8g, bạch phục linh 12g, bạch truật 8g, cam thảo 8g, thêm 3 lát sinh khương, 3 quả đại táo. Tất cả cho vào nồi, đổ 5 bát nước, đun cạn còn 1 bát, chia uống làm 2 lần.

Công dụng: Ích khí kiện tỳ. Chữa tỳ vị khí hư, sắc mặt trắng bệch, tứ chi vô lực, ăn kém, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt, mạch tế nhược.

Cam thảo – vị thuốc thông dụng, chữa loét dạ dày và ruột - Ảnh 4.

Cát cánh phối hợp với cam thảo chữa ho tiêu đờm.

- Giảm đau: Dùng trong trường hợp nhiệt thương tổn tân dịch gây đau họng, đau bụng, toàn thân và tứ chi co rút, đau buốt cấp tính.

Bài - Thược dược Cam thảo thang: Bạch thược 16g, cam thảo 16g. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Trị chứng bắp thịt co rút gây đau buốt.

- Giải độc, chữa mụn nhọt: Dùng khi bị trúng độc phát lở ngứa, trúng độc do thuốc trừ sâu hoặc do ăn uống.

Cam thảo, hạt đậu xanh không vỏ bằng lượng nhau, mỗi thứ 20g, đun nước uống trong ngày.

3. Những lưu ý khi dùng cam thảo

- Cam thảo không dùng cho người phù nề, người có tăng huyết áp.

- Không sử dụng cam thảo lâu ngày, vì có thể gây tác dụng không mong muốn như: Phù, rối loạn điện giải, mất cân bằng hormon, rối loạn chu kì kinh nguyệt ở nữ...

- Không dùng cam thảo với đại kích, cam toại, nguyên hoa, hải tảo, lá vối.

- Khi dùng cam thảo kiêng ăn cá.

- Việc sử dụng bất kỳ vị thuốc y học cổ truyền nào cũng nên cần sự thăm khám, chẩn bệnh của bác sĩ, được bác sĩ kê đơn và theo dõi trong quá trình dùng thuốc.

Theo suckhoedoisong.vn