1.Tác dụng của cây tía tô

1.1. Lá tía tô (tô diệp)

Thu hái vào lúc cây bắt đầu có hoa, phơi khô ở nơi râm mát, dùng dần. Tô diệp được xếp vào loại thuốc 'tân ôn giải biểu'.

Theo Đông y: Tô diệp có vị cay, tính ấm; vào các kinh phế và tỳ; có tác dụng hạ khí, tiêu đờm dùng chữa cảm cúm không ra mồ hôi và ho tức ngực, nôn, đầy bụng, tiêu hóa kém, thai động không yên, còn được dùng để giải độc tôm cua, mật cá.

1. 2. Cành tía tô (tô ngạnh)

Theo Đông y: Tô ngạnh có vị cay ngọt, tính ấm, lợi vào kinh phế, tỳ và vị; có tác dụng lý khí giải uất, điều trị cơ thể suy nhược, chỉ thống (giảm đau), an thai, làm mạnh dạ dày, chống nôn. Chủ trị ngực bụng đầy tức, thai động bất an.

1.3. Quả chín của cây tía tô, thường gọi là hạt (tô tử)

Theo Đông y: Tô tử có vị cay, tính ấm, lợi về kinh phế và đại tràng. Có tác dụng giáng khí bình suyễn, trừ đờm, nhuận tràng. Chủ trị viêm họng, ho, khó thở, ngực sườn đầy tức, táo bón và mộng tinh.

photo-1658329693883

Rau tía tô

1.4. Nụ tía tô (tử tô bao)

Tính bình, có tác dụng làm ra mồ hôi để giải cảm mà không gây tổn thương nguyên khí. Dùng chữa suy nhược có thể ở phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi đẻ; cảm lạnh, một số trường hợp xuất huyết...

2. Bài thuốc từ tía tô

2.1 Trị cảm cúm, ho tức ngực

Cháo tía tô bạc hà: Lá tía tô tươi 20g, lá bạc hà tươi 8g, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 40-60g; cho gạo vào nồi đổ thêm nước nấu đến khi cháo chín, cho tía tô, bạc hà đã thái nhỏ và gừng vào đun sôi lại là được; ăn khi cháo còn nóng.

Hoặc dùng bài: Lá tía tô tươi 20-40g, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước uống.

2.2 Trị cảm lạnh, kèm theo tức ngực, đầy bụng, không muốn ăn uống

Tô diệp 120g, hương phụ 120g, trần bì 60g, cam thảo 30g; Tất cả các vị thuốc tán thành bột thô, trộn đều; ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 10g bột thuốc, sắc nước uống.

2.3 Trị đau trướng bụng, bí tiểu tiện

Lá tía tô 30g, giã nát, lọc lấy nước hòa thêm vào một ít muối uống hết 1 lần. Nếu thấy bị nôn và đi tiêu chảy là hết đau trướng.

Dùng ngoài: Cả cây (cành, lá, hoa, hạt), lượng vừa đủ, rang nóng, bọc vào túi vải chườm vào rốn và những chỗ bụng trương cứng.

2.4 Trị đại tiện táo

Hạt tía tô và hạt hẹ, mỗi vị 15-20g, cho cả hai thứ vào giã nhỏ, thêm vào 1 bát nước, khuấy đều, lọc lấy nước cốt nấu cháo ăn.

photo-1658329698227

Rau bạc hà

2.5 Trị thổ huyết (ho ra máu, nôn ra máu)

Lá tía tô 20g, hạt hẹ 15g. Sắc lấy nước, cô thành cao. Đậu đỏ sao chín, tán bột mịn, trộn đều với cao, hoàn viên bằng hạt ngô. Uống thường xuyên mỗi ngày từ 20 - 40 viên.

2.5 Trị hen suyễn

Hạt tía tô 50g, sao qua, tán thành bột mịn rồi đổ nước vào gạn lấy nước cốt, đem nấu cháo với gạo tẻ, ăn vào lúc đói.

2.6 Trị trúng độc, đau bụng do ăn cua cá

Lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, cam thảo 4g, nước 600ml; sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn đang nóng.

2.7 Trị viêm khí quản mạn tính

Lá tía tô 15g, gừng khô 3g; sắc nước uống trong ngày.

2.8 Trị ho nhiều đờm ở người cao tuổi

Hạt tía tô, hạt cải thìa, hạt củ cải - 3 thứ liều lượng bằng nhau; tán thành bột thô, trộn đều; mỗi ngày dùng 9g sắc nước uống. Nếu đại tiện táo bón thì hòa thêm chút mật ong. Mùa đông trời lạnh thêm 3 lát gừng cùng sắc uống.

2.9 Trị thai động bất an

Cành tía tô 9g, lá tía tô 9g, bạch truật 9g, trần bì 6g, phục linh 6g; sắc uống.

Kiêng kị: Không ăn cá chép chung với tía tô, dễ bị sinh độc thành mụn nhọt.

Theo suckhoedoisong.vn