Táo bón là tình trạng khó đi đại tiện, phân khô cứng, buồn đi đại tiểu mà không đi được phải rặn mạnh phân khó thoát ra, thời gian đi lâu hoặc nhiều ngày mới đi một lần.

Táo bón là tình trạng rất thường gặp do nhiều nguyên nhân gây nên như: Ăn ít chất xơ, lười vận động, uống ít nước, nhịn đi ngoài, do thuốc (một số thuốc có tác dụng phụ gây táo bón), do bệnh (một số bệnh về hệ tiêu hóa có thể là nguyên nhân gây táo bón)...

Có nhiều cách để điều trị táo bón từ không dùng thuốc (điều chỉnh sinh hoạt, ăn uống và tập luyện) đến dùng một số biện pháp tự nhiên như dầu thầu dầu tới dùng các thuốc trị táo bón...

1. Lợi ích của dầu thầu dầu

Dầu thầu dầu được chiết xuất từ hạt thầu dầu bằng cách ép hạt chín. Lớp vỏ bên ngoài của hạt chứa một chất độc gọi là ricin. Vì vậy, chỉ những hạt thầu dầu không có vỏ mới được sử dụng để sản xuất dầu.

photo-1655283140971
 

Dầu thầu dầu được chiết xuất từ hạt thầu dầu bằng cách ép hạt chín.

Dầu thầu dầu đã được sử dụng làm thuốc trong nhiều thế kỷ để điều trị các vấn đề sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như kích thích chuyển dạ, kiểm soát sinh sản (một số nghiên cứu cho thấy rằng một liều hạt thầu dầu không có vỏ có thể có tác dụng tránh thai đến 8-12 tháng), giảm đau nhức xương khớp, làm dịu kích ứng mắt, chữa bệnh ngoài da (bột hạt thầu dầu cũng được bôi ngoài da như một loại thuốc đắp để điều trị các bệnh viêm da, mụn nhọt…). Nó cũng thường được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để giảm táo bón.

Các nghiên cứu đã chứng minh dầu thầu dầu có tác dụng giảm táo bón cho tác dụng nhanh, nhưng nó không được khuyến khích dùng cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có một số tình trạng sức khỏe khác.

2. Sử dụng dầu thầu dầu trị táo bón như thế nào?

Nghiên cứu cho thấy rằng dầu thầu dầu là một loại thuốc nhuận tràng kích thích để giảm táo bón khi uống. Điều này là do axit ricinoleic - là axit béo chính được tìm thấy trong dầu thầu dầu, khiến các cơ của thành ruột co lại và đẩy phân ra ngoài. Dầu thầu dầu có thể gây ra tác dụng tương tự đối với tử cung, và đó là lý do tại sao nó cũng được sử dụng để gây chuyển dạ.

Thông thường, dầu thầu dầu có tác dụng rất nhanh. Lượng thường dùng là từ 1-15 ml mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi.

Cách sử dụng: Đặt dầu thầu dầu trong tủ lạnh ít nhất một giờ để làm giảm mùi vị. Sau đó, thêm dầu vào ly nước hoa quả và uống. Các chế phẩm dầu thầu dầu có hương liệu cũng có sẵn trên thị trường. Bạn sẽ thấy kết quả trong vòng hai đến sáu giờ sau khi dùng.

photo-1655283145860
 

Dầu thầu dầu giảm táo bón nhưng không an toàn cho tất cả mọi người.

3. Tác dụng phụ của dầu thầu dầu

Dầu thầu dầu đơn là an toàn cho hầu hết mọi người nhưng không nên dùng lâu dài hoặc với liều lượng lớn. Sử dụng nó liên tục trong hơn một tuần hoặc với số lượng hơn 15-60 ml mỗi ngày có thể dẫn đến mất nước và kali trong cơ thể. Nó cũng có thể làm giảm trương lực cơ trong ruột, dẫn đến táo bón mãn tính.

Dầu thầu dầu không được khuyến khích cho trẻ em dưới 12 tuổi và những người có một số tình trạng sức khỏe. Phụ nữ mang thai cũng nên tránh dùng dầu thầu dầu vì nó có thể khiến tử cung co bóp và chuyển dạ sớm.

Bạn nên tránh dùng dầu thầu dầu nếu đang dùng thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh, thuốc xương khớp, thuốc làm loãng máu và thuốc tim mạch.

Ngoài ra, không dùng dầu thầu dầu nếu bạn đang cho con bú hoặc bị tắc ruột, đau dạ dày không rõ nguyên nhân hoặc các vấn đề với đường mật hoặc túi mật…

Giống như các loại thuốc nhuận tràng kích thích khác, dầu thầu dầu có một vài tác dụng phụ như: Gây khó chịu cho dạ dày, chuột rút, buồn nôn, tiêu chảy và ngất xỉu ở một số người. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng trong ruột...

Theo suckhoedoisong.vn