leftcenterrightdel
Rau diếp cá dễ trồng, phát triển nhanh. Ảnh: Permaculturehaven 

Các loại thực vật có nhiều thành phần hóa học và hoạt tính sinh học đa dạng, có tác dụng phòng ngừa và điều trị hiệu quả các bệnh lâm sàng thông thường. Ở một số nước châu Á, người dân sử dụng thực vật tự nhiên để chữa bệnh, chiếm 70-95% các phương pháp điều trị cơ bản. Một trong những loại cây có nhiều tác dụng như vậy là diếp cá. 

Rau diếp cá mọc dại ở Việt Nam trong môi trường đất ẩm, ven suối, bờ mương. Những năm gần đây, cây được người dân trồng nhiều để lấy lá ăn rau sống, nhúng lẩu, ép lấy nước uống do có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt. 

Tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật, diếp cá vừa dùng làm thực phẩm vừa để chế thuốc.

Loại rau này chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau, nổi bật nhất là alkaloid. Tuy nhiên, thành phần có tác dụng dược lý là tinh dầu và flavonoid. Mùi tanh của diếp cá do sự góp mặt của decanoyl acetaldehyde có tác dụng kháng khuẩn. 

Sử dụng trong y học cổ truyền 

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, diếp cá được dùng làm thuốc điều trị bệnh viêm phổi do nhiễm virus. Rau có tác dụng ức chế đáng kể đối với sự lây nhiễm và nhân lên của virus. Khả năng chống viêm của diếp cá có thể nhờ các thành phần flavonoid, natri houttuyfonate và polysacarit. 

Ngoài ra, diếp cá còn dùng đắp ngoài chữa dị ứng, mẩn ngứa, mề đay, làm thuốc chữa khó tiêu và thuốc bó những chỗ bị tổn thương để kích thích sự phát triển của xương. Trong điều trị lâm sàng, diếp cá thường có thể phối hợp với các thuốc khác để điều trị lỵ, cảm, sốt, quai bị. 

Ở Nepal, diếp cá được dùng trong một số chế phẩm chữa bệnh cho phụ nữ. Cả cây được coi như thuốc làm mát, tiêu độc, chữa khó tiêu và điều kinh. Lá được dùng trị bệnh lỵ, bệnh lậu, bệnh về da, mắt. 

Các tác dụng khác

Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện polysaccharides và natri houttuyfonate trong diếp cá bảo vệ đường ruột. Một số thành phần khác tăng cường hàng rào cơ học đường ruột và hàng rào miễn dịch. 

Gần đây, các sản phẩm tự nhiên trong thực vật đã cho thấy tác dụng hữu hiệu trong phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan. Chiết xuất ethyl acetate của diếp cá có tác dụng bảo vệ gan, cho thấy hoạt động chống oxy hóa đáng kể ở chuột bị tổn thương gan.  

Các thành phần chống oxy hóa của diếp cá cũng có tác dụng với quá trình sửa chữa tế bào tim. Ở chuột mắc bệnh tiểu đường, uống liên tục 2% chiết xuất nước diếp cá trong 8 tuần có thể điều hòa lượng oxy, ức chế các tác động xấu của bệnh tiểu đường tới tim. 

Theo vietnamnet