Khoai môn, khoai sọ đồ chín là thực phẩm giàu năng lượng. Khoai Lệ Phố là loại khoai ngon danh bất hư truyền.
Khoai môn, khoai sọ có tên khoa học: Colocasia antiquorum Schott., họ Ráy (Araceae). Bộ phận dùng là thân củ, lá.
Khoai môn, khoai sọ chứa tinh bột 69-74%, lipid 0,47-0,68% (có nhiều loại acid béo chưa no), các loại đường glucose, galactose, arabinose; chất xơ, các sinh tố, khoáng chất (Fe, Ca, P), khoảng 17 loại acid amin và chất gây ngứa. Củ khoai sọ có giá trị dinh dưỡng gấp 1,5 lần khoai tây. Khoai sọ có nhiều alkaloid có tác dụng kháng khuẩn, sát trùng, các chất xơ giúp tăng nhu động của ruột và tác dụng nhuận tràng chống táo bón; các acid béo chưa no linoleic và linolenic có tác dụng làm hạ huyết áp, giãn mạch, làm giảm nồng độ cholesterol huyết.
Canh cua nấu khoai môn khoai sọ rau rút chữa phát ban dị ứng, mất ngủ, làm giảm mệt mỏi.
Theo Đông y, lá khoai môn, khoai sọ có vị cay, tính bình, có độc; củ khoai vị ngọt cay, tính bình; vào tỳ thận. Công năng ích khí bổ thận, phá huyết tán kết, khu phong, chỉ thống, trừ đàm tiêu thũng. Dùng cho người bị phát ban dị ứng mẩn ngứa, sa trực tràng, lỵ mạn tính, viêm sưng hạch (lao hạch), chấn thương đụng giập, gãy xương chảy máu do chấn thương, viêm sưng khớp do phong thấp, đau dạ dày, mụn nhọt, rắn cắn, lao phổi, ung thư họng, ung thư gan, bướu giáp... Liều dùng cách dùng: 60-120g; nấu hầm, giã đắp ngoài.
Bài thuốc chữa bệnh từ khoai sọ, khoai môn:
Chữa tiêu chảy, lỵ: lá khoai sọ 30g, củ cà rốt 30g, tỏi vài nhánh. Sắc uống.
Chữa mụn nhọt, đầu đinh: củ khoai tươi và giấm, liều lượng bằng nhau, đun sôi và nghiền nát, đắp vào chỗ đau.
Chữa vết thương kín sưng nề: khoai sọ 120g, hành sống 3 củ. Hai thứ giã nát, thêm chút rượu trộn đều, bôi đắp qua gạc mỏng trên chỗ đụng giập chấn thương kín có sưng nề bầm tím. Tác dụng hoạt huyết tiêu viêm.
Trị rắn cắn, ong đốt: lá khoai tươi giã nát, đắp vào chỗ đau.
Chữa mề đay: bẹ lá khoai 60g, rễ cây tai chuột 30g, hồng táo 30g, đường đỏ 30g. Sắc uống.
Một số món ăn thuốc có khoai môn, khoai sọ:
Xương lợn hầm khoai môn: khoai môn 60g, xương cẳng hoặc xương sống lợn 100g. Khoai gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, rửa sạch, thêm bột gia vị đun nhỏ lửa trong 2 giờ. Ăn ngày 2 lần. Tác dụng khu phong trừ thấp. Dùng tốt cho người bị nổi ban dị ứng, đau nhức tay chân.
Canh cua khoai môn, khoai sọ: cua đồng 200g, khoai môn 60g, rau rút 1 mớ. Cua đồng bỏ yếm và mai, rửa sạch giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn; khoai sọ cạo bỏ vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn, rau rút lấy phần lá, cọng non, bỏ rễ và bấc ngắt đoạn, rửa sạch. Cho khoai vào nước cua, nấu đến khi khoai chín nhừ, cho rau rút vào, đun vừa chín là được. Ăn trong ngày; dùng liền 2-3 ngày. Tác dụng ích khí bổ thận, trừ đàm, tiêu thũng, khu phong, chỉ thống, giải nhiệt, chữa phát ban dị ứng mẩn ngứa, dễ ngủ, bớt mệt mỏi.
Nước sắc khoai sọ củ khởi: khoai sọ 15-20g, rễ kỷ tử 50g. Hai thứ rửa sạch, nấu sắc trong 2 giờ, gạn lấy nước trong uống ngày 1 lần. Uống liên tục 60 ngày. Tác dụng thông hầu hang, kháng độc. Dùng tốt cho bệnh nhân bị u bướu vùng hầu họng.
Bẹ khoai nấu giấm (kinh nghiệm dân gian): bẹ lá khoai nấu giấm với cá, ốc, thịt hoặc muối dưa. Tác dụng liễm hãn, chỉ tả, tiêu thũng độc.
Củ khoai sọ nấu cá (kinh nghiệm dân gian): củ khoai sọ nấu với cá quả hay cá diếc. Tác dụng điều hòa nội tạng, hạ khí đầy, chữa hư lao yếu sức.
Chú ý: Các món ăn từ khoai sọ, khoai môn đều phải nấu chín kỹ để tránh gây ngứa.
Theo suckhoedoisong.vn