Củ gừng được sử dụng dưới dạng tươi (sinh khương) và khô (can khương). Trong thành phần của gừng chủ yếu là tinh dầu; zingiberen, curcumen… các hợp chất alcol: geraniol, linalol, borneol, zingeron, zingerol… Khoảng 70% đơn thuốc đông y có vị gừng.
Chữa bệnh
Sinh khương: có vị cay, tính ấm, nhập vào 3 kinh: phế, vị, tỳ, với công năng phát tán phong hàn, ấm vị, chỉ nôn, hóa đờm, chỉ ho, lợi niệu, giải độc. Gừng được làm thuốc trong các trường hợp:
- Trị cảm mạo phong hàn, sốt cao, đau đầu, rét, tắc ngạt mũi: Dùng 1 củ gừng tươi (10g), thái lát, sắc lấy nước uống; hoặc phối hợp tía tô, kinh giới, bạc hà mỗi vị 12g; bạch chỉ, địa liền, trần bì mỗi vị 8g; gừng tươi 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền vài thang tới hết các triệu chứng. Mặt khác, có thể lấy 1 củ gừng tươi, giã nát, xào nóng, gói vào miếng vải gạc, đôi khi cùng với tóc rối và rượu rồi chà xát lên người, trước tiên vùng trán, thái dương, sau gáy, sống lưng, ngực, lòng bàn tay, bàn chân… Cơ thể sẽ dần dần ấm trở lại và giảm đau nhanh.
- Trường hợp trúng phong cấm khẩu: Dịch cốt gừng tươi 12g, kinh giới 12g (sắc nước riêng, khoảng 12ml), trúc lịch 6ml (lấy măng vòi hơ nóng, vắt lấy nước), rượu trắng 6ml. Trộn đều 4 dịch trên, dùng thìa cho người bệnh uống.
- Trường hợp đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, không tiêu: Có thể ăn 1 củ gừng nướng; đặc biệt tốt cho phụ nữ sau đẻ bị cảm lạnh, khí huyết ngưng trệ dẫn đến đau bụng, chân tay lạnh, mặt nặng. Hoặc cũng do lạnh dẫn đến đau bụng dữ dội, đau lan ra lưng, sườn, ngực, nên phối hợp với một số vị thuốc khác, như: ngải diệp, quế chi mỗi vị 12g; sinh khương 8g. Sắc uống.
- Trị ho, đờm nhiều, ho do viêm phế quản: Có thể phối hợp sinh khương với cam thảo, bách bộ, mạch môn, đồng lượng. Sắc uống ngày 1 thang; hoặc sinh khương 10g, giã nát, vắt lấy nước cốt, trộn đều với 5ml mật ong, uống.
- Trị phù thũng, tiểu tiện bí, dắt: tang bạch bì, trần bì, phục linh, đại phúc bì, đồng lượng 12g, sắc uống ngày 1 thang cho tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Giải độc, trị giun chui ống mật: Trước hết cho người bệnh uống giấm thanh, độ 10ml, một lát sau cho uống nước cốt của gừng, độ 10ml.
Can khương: Là những củ gừng già, phơi khô, hoặc thái phiến phơi khô. Khi dùng có thể sao vàng, sao cháy (thán khương). Có thể sử dụng trong một số trường hợp sau:
- Các trường hợp trúng hàn, tức hàn nhập vào phần lý, nhập sâu vào phần dinh, phần huyết, vào tạng phủ. Biểu hiện: dương khí thoát, người lạnh toát, chân tay co quắp, đờm bít tắc cổ họng, nặng thì không nói được: can khương 5g, phụ tử (chế) 10g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Nếu trúng hàn dẫn đến vừa thổ, vừa tả: Gừng nướng khô, tán bột, mỗi lần 8-10g quấy đều vào cháo nóng ăn. Cũng có thể dùng bài này cho phụ nữ có thai, bị đau bụng, tiêu chảy.
- Trường hợp sao cháy dùng khi cơ thể lạnh mà có xuất huyết: Băng huyết, đại tiện ra huyết… có thể dùng thán khương, ngải diệp, đồng lượng 10-12g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều ngày tới khi hết triệu chứng.
- Gừng còn được dùng nhiều trong phương pháp cứu gián tiếp: cắt các lát gừng tươi dày 3-5mm, trên lát cắt, chọc một số lỗ nhỏ sau khi đặt lát gừng lên huyệt, sẽ đặt mồi ngải lên để đốt. Chú ý: Khi mồi ngải cháy đến độ nhất định phải bỏ ra để tránh gây bỏng cho bệnh nhân.
Ngoài ra, gừng tươi còn là như một phụ liệu quý trong chế biến thuốc. Để tẩy rửa các chất gây tanh trong dược liệu có nguồn gốc động vật, như các gạc hươu, nai… khi nấu cao, sau khi cọ rửa, cưa, chặt gạc ra thành các mảnh nhỏ, cần có giai đoạn ủ gạc với gừng tươi, giã nát. Hoặc sau khi mổ rắn để ngâm rượu, người ta cũng dùng gừng tươi với rượu để khử mùi tanh. Bên cạnh đó, rất nhiều vị thuốc Đông dược khác, khi chế biến cần lấy dịch cốt gừng tươi để chích tẩm làm cho vị thuốc bớt tác dụng phụ: bán hạ…, hoặc tăng tính ấm cho vị thuốc: nhân sâm, đảng sâm…, tăng tác dụng chữa ho của vị thuốc: cát cánh, trần bì…
Sau đây là một số công dụng khác của gừng:
- Làm ấm tim, mạnh phổi, tráng dương, có thể giúp "hâm nóng" cho các cặp vợ chồng lớn tuổi. Món ốc hương hấp chấm nước mắm gừng là một ví dụ.
- Người bị say tàu xe trước khi lên tàu, nếu ăn một củ gừng tươi bằng ngón tay cái, sẽ ngăn được nôn mửa. Y học cổ truyền thì cho rằng, chỉ cần dùng vài lát gừng tươi buộc vào cổ tay, chỗ lằn xếp sát gốc phía lòng bàn tay cũng ngăn được chứng bệnh khó chịu này. Đó là do gừng có thể làm êm dịu dạ dày. Đặc tính này của gừng cũng được các nhà khoa học Anh khẳng định qua cuộc thí nghiệm trên 60 phụ nữ. Trước cuộc phẫu thuật, họ được cho uống bột gừng và kết quả là họ đã không bị đau dạ dày trong khi giải phẫu.
- Chữa viêm nhiễm đường hô hấp trên (kể cả viêm họng): Dùng gừng tươi và củ cải trắng (hai phần bằng nhau), giã nát với ít muối để ngậm hoặc vắt lấy nước nhỏ mũi ngày 3 lần. Có thể cho người bị cảm mạo, ho hen, viêm họng... ăn một bát cháo nóng nấu với gừng hoặc ly trà gừng nóng.
- Với người bị trúng gió nặng đến mức á khẩu, phương pháp cấp cứu hữu hiệu là cạy miệng nạn nhân, đổ nước gừng tươi vào. Gừng cũng được dùng để đánh gió. Do không làm trầy x¬ước da mà lại có tính sát trùng da và làm ấm, kích thích các đầu dây thần kinh giao cảm, việc đánh gió bằng gừng giúp người bệnh gia tăng sức đề kháng, mau hết bệnh.
- Bong gân, bầm, sưng đau do ngã: Lấy gừng tươi giã nát với ít muối bó vào chỗ đau, để qua đêm sẽ khỏi. Dùng gừng tươi giã nát ngâm với rượu để xoa bóp có thể làm giảm cơn đau nhức các loại.
- Việc ướp gừng trong 30 phút trước khi kho thịt, cá (nhất là cá biển như các ngừ, cá nục) không chỉ làm tăng mùi thơm mà còn giúp giải độc, triệt tiêu tính gây dị ứng của cá, thịt nữa. Đó là do trong gừng có một enzym phân giải protein.
Giúp giảm cân
Thân hình bạn sẽ trở nên thon gọn nhanh chóng nhờ việc giảm cân bằng gừng. Theo Đông y, gừng có vị ấm chứa hợp chất hữu ích làm tăng cường quá trình chuyển hóa của cơ thể, thúc đẩy sự trao đổi chất, hạn chế hấp thụ và tích mỡ trong cơ thể nên có tác dụng rất lớn trong việc giảm cân, làm đẹp cho chị em.
- Bánh mì mật ong gừng: Bánh mì gối nướng trên chảo nướng 3-4 phút sau đó phết lớp mật ong và chút gừng băm nhỏ lên trên và thưởng thức. Đây là món ăn sáng rất tốt cho chị em muốn lấy lại vòng eo thon gọn đấy nhé.
- Sữa chua gừng, mật ong: Một chút biến tấu trong việc ăn sữa chua hàng ngày, chị em có thể thêm một chút mật ong và gừng vào hộp sữa chua và thưởng thức. Đây cũng là thủ thuật để bạn làm quen với cách giảm cân từ gừng.
- Nước gừng mật ong: Hòa 1 muỗng mật ong, 1 miếng gừng đập dập vào 200ml nước nóng là bạn đã có một ly nước ấm áp khi trời lạnh và thật kì diệu nó còn trợ giúp bạn giảm cân hữu hiệu.
Hoặc bạn có thể pha vài lát vừng vào cùng trà, sau khi trà ngấm có thể cho thêm một chút mật ong cho dễ uống. Uống 2-4 tách trà gừng/ ngày để có hiệu quả tốt nhất.
Trà gừng là loại thức uống khá phổ biến, rất có lợi cho sức khỏe và giúp giảm cân nhanh. Uống trà gừng có thể giúp tăng cường các hoạt động trao đổi chất của cơ thể, tăng tỉ lệ đốt cháy chất béo, thúc đẩy quá trình đào thải mỡ thừa ra khỏi cơ thể. Bạn có thể sử dụng trà gừng với mật ong hay chanh đều có tác dụng giảm cân như nhau.
Tuệ Linh