Mướp là một loài dây leo. Thân có góc cạnh, màu lục nhạt. Lá to, đường kính từ 15-25 cm. Phiến lá chia thùy hình 3 cạnh hay hình mác. Mép lá có răng cưa. Cuống lá dài 10 - 12 cm. Mặt lá ráp, tua cuốn phân nhánh. Hoa màu vàng. Hoa đực mọc thành chùm, hoa cái mọc đơn độc. Quả hình thoi hoặc hình trụ.

Quả mướp: Vị ngọt, tính mát, lợi về kinh can và vị, có công dụng sinh tân, thanh nhiệt, chữa ho, trừ đờm, làm mát huyết, giải độc, an thai, thông sữa… thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiển khát, viêm họng, viêm phế quản, trĩ băng lậu, khí hư, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm bể thận, mụn nhọt, ung thũng, sản phụ sữa không thông, táo bón

Lá mướp: Có vị đắng, chua, tính mát, nấu uống chữa ho, hen kéo dài, viêm họng (nam dược thần hiệu). Lá mướp sắc với cây cứt lợn uống chữa phù thũng. Dùng ngoài, lá mướp tươi giã nát, lấy nước bôi chữa mẩn ngứa, nước ăn chân.

photo-1652670330136

Mướp chữa ho, giảm sốt...

- Thân cây mướp: Tên thuốc ty qua đằng hay thiên la, lấy từ mặt đất trở lên độ 1m, đốt tồn tính tán nhỏ, uống mỗi lần 10g với ít rượu chữa viêm xoang mũi, chảy nước mũi và có mùi hôi.

Xơ mướp: Tên thuốc là ty qua lạc, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng cầm máu, chống co thắt, thúc sởi, lợi tiểu. Xơ mướp đốt tồn tính, tán bột chữa bế kinh, rong kinh, băng huyết, kiết lỵ ra máu.

Bài thuốc từ cây mướp

1. Chữa mụn nhọt sưng tấy:

Lá mướp, hành liền cả rễ, lá hẹ - lượng bằng nhau; cùng cho vào cối đá giã nhuyễn, hòa thêm chút rượu trắng, vắt nước uống.

2. Nhọt độc mưng mủ sưng đau:

Quả mướp non, giã nát đắp lên nhọt, dùng băng cố định lại, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

3. Chữa viêm loét da:

Vỏ quả mướp, sấy khô, tán thành bột mịn, nấu với rượu; dùng bông thấm rượu thuốc bôi ngày 3 lần.

4. Chữa lở ngứa ở bộ phận sinh dục:

Lá mướp 60g, thương nhĩ thảo 30g, dã cúc hoa 60g; nấu lấy ngâm rửa hàng ngày.

5. Hạ huyết áp, thanh nhiệt, nhuận phế, giảm ho:

Quả mướp, rau cần tây. Hai thứ đem ép lấy nước, chia uống trong ngày.

6. Chữa viêm họng, khản tiếng, mất tiếng:

Quả mướp già (hái vào mùa thu, khi sương đã xuống) cắt nhỏ, sắc uống trong ngày.

7. Chữa chứng xuất huyết (chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, trĩ chảy máu):

Xơ mướp thiêu tồn tính, tán bột, mỗi lần uống 2g, ngày 3 lần.

8. Giải nhiệt, làm sáng mắt, hóa đàm, tiêu viêm:

Quả mướp, khổ qua, đường trắng vừa đủ. Mướp gọt vỏ, khổ qua bỏ ruột, rửa sạch, thái nhỏ, ép lấy nước, hòa đường, chia uống trong ngày.

9. Chữa hâm hấp sốt dai dẳng:

Xơ mướp 8g, kim ngân hoa 12g, sắc uống thay trà.

10. Chữa ho có đờm, hạ sốt:

Mướp 1 quả, cắt nhỏ, ép lấy nước, thêm mật ong chia nhiều lần uống trong ngày. Hoặc dùng bài: Hoa mướp 6-9g, mật ong 10g, sắc uống.

11. Chữa đau nửa đầu:

Rễ mướp tươi 90g, trứng vịt 2 quả, luộc ăn trong ngày.

12. Chữa hen phế quản:

Xơ mướp 9g, tang bạch bì (vỏ rễ cây dâu) 10g, hạnh nhân 8g, đậu tương 20g, sắc uống.

photo-1652670335435
 

Tang bạch bì

13. Chữa ngực sườn đau tức, da khô ngứa:

Xơ mướp 9g, tang chi (cành cây dâu tằm) 12g; sắc nước uống trong ngày.

14. Chữa đau nhức khớp xương mạn tính:

Xơ mướp 9g, cỏ xước 12g; sắc nước uống trong ngày.

15. Chữa sản phụ thiếu sữa:

Cá diếc 2 con (khoảng 500g), mướp, nấu canh ăn.

16. Phụ nữ băng huyết:

Lá mướp sao cháy đen, nghiền mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-15g, chiêu thuốc bằng nước sôi pha thêm chút rượu trắng.

Theo suckhoedoisong.vn