Phát triển dược liệu là một ngành kinh tế

Theo TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, Việt Nam đang thiếu nhiều yếu tố để phát triển cây dược liệu từ chính sách vĩ mô đến giáo dục thị trường. Không thể giữ quan điểm trồng dược liệu đơn sơ như trước mà phải xác định đi theo con đường kinh tế dược liệu, gắn với chế biến sâu để tạo ra kinh tế hàng hóa và sinh kế bền vững cho bà con. Nhưng muốn phát triển thì cần nguồn vốn, tuy nhiên hiện nay việc vay vốn rất khó khăn.

Các tổ chức tài chính thường dễ dãi cho doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vay vốn vì nếu dự án không thành công, họ sẽ thu lại công trình rồi rao bán. Trong khi đó, nếu dự án dược liệu thất bại, thì ngân hàng khó thu vốn lại. Đây chính là nguyên nhân khiến ngân hàng không mặn mà khi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vay tiền để trồng dược liệu hay khởi nghiệp với sản phẩm dược liệu.

Những yếu tố cần thiết để phát triển cây dược liệu ở Việt Nam - Ảnh 2.

Xây dựng chuỗi giá trị để phát triển nền dược liệu bền vững.

Ở nhiều nước, họ quy hoạch những cây dược liệu có tiềm năng, từ đó phát triển trồng, chế biến sản phẩm.  Tại Ấn Độ, riêng từ cây đàn hương họ chế biến ra 50 sản phẩm khác nhau, trong đó sản xuất 30 triệu bánh xà phòng làm từ đàn hương mỗi năm để bán khắp toàn cầu. Rõ ràng, Việt Nam có tiềm năng cây dược liệu lớn nhưng chưa khai thác được triệt để.

Khó khăn trong phát triển cây dược liệu ở Việt Nam là đa phần nằm ở vùng núi, xa xôi, nơi chủ yếu có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là lực lượng lao động chính. Khi tham gia phát triển kinh tế dược liệu, doanh nghiệp sẽ phải là người dẫn dắt. Khó khăn thứ hai là chi phí đầu tư, nhất là chi phí đầu tư ở vùng sâu vùng xa. Đầu tư chế biến sâu cũng cần những cơ sở hạ tầng về điện nước, trường trạm.

Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu tiếp tục phát triển, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ thu hút được doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cần có trung tâm nghiên cứu dược liệu theo vùng

Là một quốc gia có đến hơn 4.000 loài dược liệu khác nhau nhưng hiện có tới 80% dược liệu được nhập từ nước ngoài. Để thay đổi thực trạng này, chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 8 vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững.

Vùng Tây Bắc đang được định hướng thành vùng trồng dược liệu có quy mô lớn. Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai là những nơi có nhiều loài dược liệu quý hiếm. Hiện nay, có khoảng 50 loài cây dược liệu trồng với diện tích lớn (hơn 10ha) thì riêng Tây Bắc đã có tới 36 loài như: đương quy, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, atiso, ý dĩ, hồi, quế, đinh lăng, ba kích.

Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng vẫn còn một số hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của các địa phương. Ở Sơn La, nguồn cung cấp dược liệu chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sản xuất, bào chế thuốc. Còn ở Điện Biên, mỗi năm chỉ thu được hơn 15 tỷ đồng từ các loại cây dược liệu. Trong khi đó, việc thu hái, khai thác không đi đôi với bảo tồn, phát triển dược liệu khiến các loài dược liệu tự nhiên cạn kiệt và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Việc trồng, chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phụ thuộc vào nguồn dược liệu cung cấp từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các địa phương hiện còn thiếu vắng sự đầu tư của các doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để ngành dược liệu trở thành ngành mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía bắc, mỗi địa phương đưa ra chiến lược riêng của mình. Theo các chuyên gia, những vùng này cần Trung tâm nghiên cứu Dược liệu, xây dựng thị trường, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn của thế giới. Các địa phương cần xây dựng các cơ sở hạ tầng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược liệu liên kết với các Hợp tác xã trong việc trồng, sản xuất, phát triển dược liệu.

PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết khí hậu và thổ nhưỡng là 2 đặc trưng để quyết định chất lượng dược liệu. Nhưng dược liệu chỉ là nguyên liệu để sản xuất thuốc chứ không phải cứ trồng thì đó đã là bài thuốc.

Do đó, để dược liệu trở thành các bài thuốc, cần phải có sự liên kết của nhiều bên để sản phẩm đầu cuối đem lại giá trị thật sự cho người dân, cho doanh nghiệp và cho người trồng dược liệu.

Theo suckhoedoisong.vn