Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết húng chanh (tần dày) là loại thảo dược sống lâu năm thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae), mọc tự nhiên và được trồng khắp các vùng nhiệt đới ấm áp ở châu Phi, châu Á và Úc.
Nhiều lợi ích từ tinh dầu lá húng chanh
Các nghiên cứu cho thấy húng chanh chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau thuộc các nhóm monoterpenoid, diterpenoid, triterpenoid, sesquiterpenoid, phenolic, flavonoid, este, rượu và aldehyd.
"Nhiều tác dụng dược lý của húng chanh như hoạt tính kháng khuẩn, chống viêm, chống ung thư, chữa lành vết thương, chống động kinh, diệt côn trùng, chống oxy hóa và giảm đau", tiến sĩ Triết chia sẻ.
Ngoài ra, húng chanh được chứng minh là có hiệu quả chống lại các bệnh về hô hấp, tim mạch, răng miệng, da, tiêu hóa và tiết niệu. Loại dược liệu này được người dân bản địa ở rừng mưa nhiệt đới sử dụng rộng rãi trong y học dân gian hoặc cho mục đích ẩm thực.
Các tác dụng này được cho là có liên quan nhiều đến tinh dầu của cây với các hợp chất có hoạt tính sinh học cao như Carvacrol, Thymol, β-Caryophyllene, α-Humulene, γ-Terpinene, p-Cymene, α-Terpineol và β -Selinene. Các hợp chất này được tìm thấy trong lá húng chanh.
"Hiện nay ở nước ta húng chanh được sử dụng chữa ho, viêm họng, sát trùng, khản tiếng (lá tươi ngậm với muối), cảm cúm (lá nấu nước xông). Ngoài ra, nó còn được dùng chữa sốt cao, ngộ độc, nôn ra máu, chảy máu mũi, đau bụng. Thường dùng lá tươi với liều 10-16 g một ngày", tiến sĩ Triết cho hay.
Kháng sinh tự nhiên từ lá hẹ
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết cây hẹ được xem như là kháng sinh tự nhiên đặc biệt với các bệnh về hô hấp và đường ruột của trẻ em. Hẹ đã được các nhà khoa học nghiên cứu có các hợp chất sunfua, saponin và chất đắng...
Đặc biệt, chất Odorin có trong cây hẹ được xem như một kháng sinh đặc trị các loại vi trùng staphyllococcus aureus và bacillus coli. Ngoài ra, trong hạt hẹ còn có ancaloit và saponin. Trong nước ép tươi của lá hẹ có nhiều kháng sinh có tác dụng đối với nhiều loại vi trùng ở đường tiêu hóa nói chung, đặc biệt là đối với bệnh lý đường ruột nói riêng. Ưu điểm của nước ép lá hẹ không cay, cho thêm một ít đường phèn thì được xem như dạng siro nước và trẻ em sẽ dễ uống.
"Chỉ cần một nắm lá hẹ tươi rửa sạch, thái nhỏ trộn với một ít đường phèn hấp trong nồi cơm sôi vừa cạn hoặc chưng cách thủy, để nguội cho bé uống sẽ dịu ngay cơn ho, cảm, sốt. Cũng cần lưu ý rằng, bài thuốc này cho trẻ em uống tốt hơn khi dùng lá hẹ tươi sống, không nên đun sôi sẽ làm mất tác dụng của kháng sinh", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Với người cảm mạo, ho do lạnh, có thể sử dụng hẹ 250 g, gừng tươi 25 g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn phần hẹ gừng và uống nước sau khi hấp.
Ngoài ra, hẹ có chứa allicin. Allicin có tác dụng giảm huyết áp và ngăn quá trình sản sinh cholesterol trong cơ thể. Hơn nữa, chúng cũng có đặc tính chống vi khuẩn và chống nấm, tẩy vi khuẩn và nấm trong đường ruột, đảm bảo cho hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt.
Theo Thanh niên