1. Đặc điểm cây rau đay

Rau đay còn gọi là rau đay quả dài. Tên khoa học Corchorus olitorius L. Thuộc họ Đay Tiliaceae.

Cây rau đay là một loại cỏ cao chừng 1-2m. Thân màu đỏ nâu, ít phân cành. Lá hình trứng dài nhọn, phía gốc lá tròn hay tù, mép có răng cưa, dài 5-10cm, rộng 2-4cm, có 3 đến 5 gân ở phía dưới. Lá kèm hình sợi.

Hoa nhỏ màu vàng mọc ở kẽ lá, hợp từng 3 hoa một trên một cuống ngắn. Đài 4-5, tràng 4-5, nhị 45-50 xếp thành nhiều vòng. Quả hình trụ có 5 sống dọc, nhẵn, dài 5cm. Hạt hình lê khi cắt ngang có hình 5 cạnh.

Ở nước ta cây rau đay được trồng ở nhiều nơi để lấy lá non nấu canh ăn cho mát và nhuận tràng. Lá non hái sau khi trồng cây chừng hơn 1 tháng.

Đay còn là cây công nghiệp cho sợi dệt túi, xe dây.

Rau đay – vị thuốc giải nhiệt, chữa táo bón, ho… - Ảnh 1.

Cây rau đay.

Đay còn được trồng ở các nước khác thuộc châu Phi, châu Á và châu Mỹ cũng để lấy lá non ăn làm rau, làm thuốc và lấy sợi, có khi người ta dùng hạt làm thuốc.

Trong lá rau đay có một chất nhày, có tác dụng chữa táo bón, chữa ho và làm thuốc bổ.

Hạt cây rau đay được nghiên cứu nhiều:

- Năm 1952 tại Ấn Độ, Sen N.K. đã nghiên cứu các sterol chứa trong hạt cây đay. Meara M.L. và Sen N.K. đã nghiên cứu chất dầu chứa trong hạt cây rau đay thì thấy rằng chất dầu này giống như dầu hạt cây hoa hướng dương. Tỉ lệ các acid béo trong dầu là acid panmitic 15,65%, acid stearic 4%, acid behenic 1,66%, acid lignoxeric 1,12%, acid linolenic 59,67%, tỉ lệ chất không xà phòng hóa dược là 3,05%.

- Những năm tiếp theo (từ năm 1956), hạt rau đay (sau khi mất hết khả năng mọc, trước đây chỉ dùng làm phân) đã được một số nước dùng chiết heterozit chữa bệnh tim với tên là olitorizit và corchorozit.

Từ hạt đay ở Việt Nam, năm 1970, Đoàn Định Chính và cộng sự đã chiết được: 3% glucozit đặt tên là daycozit có tác dụng trên tim.

Rau đay – vị thuốc giải nhiệt, chữa táo bón, ho… - Ảnh 2.

Rau đay ăn mát, bổ ngày hè.

2. Công dụng và liều dùng của rau đay

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, nhân dân ta và nhân dân một số nước khác thường dùng rau đay để nấu canh ăn hoặc làm thuốc mát, chữa táo bón, ho, bổ.

Người ta còn thấy rau đay là một loại thuốc lợi sữa: Nếu tuần đầu tiên sau khi đẻ, ăn hàng ngày 150-200g, vào mỗi bữa ăn chính. Các tuần lễ sau, mỗi tuần ăn 2 lần với liều 200-250g thì lượng sữa tăng. Trong sữa tỷ lệ chất béo tăng hơn mức trung bình.

Lưu ý: Phụ nữ sau sinh thường sợ lạnh, nếu muốn ăn canh rau đay để nhiều sữa thì nên cho thêm vài lát gừng tươi thái chỉ trước khi bắc nồi xuống.

Dầu chiết từ hạt cây đay giống như dầu hạt bông. Ta có thể phân tích dầu này thành hai phần dầu khô và dầu không khô. Một số tác giả khác cho rằng trong hạt cây đay còn có 2 chất đắng gọi là corchorin và corchoritin.

Rau đay – vị thuốc giải nhiệt, chữa táo bón, ho… - Ảnh 3.

Canh cua rau đay mướp.

Ngoài ra, theo BS. Yên Lâm Phúc – Học viện Quân y, rau đay còn có 3 tác dụng nổi bật sau:

1. Chữa táo bón

Tác dụng này có được là vì trong rau đay có khá nhiều nước (làm mềm phân), có nhiều polysaccharid (làm tăng lưu chuyển ruột, chống ứ đọng phân).

Trong rau đay lại có nhiều chất nhày (có tác dụng bôi trơn khiến cho dễ bị tống đẩy), nhiều đường sucrose và inositol (các đường này không hấp thu mà lại giữ nước làm phân nở to nhưng lại rất mềm), hóa giải được táo bón.

2. Thanh nhiệt giải độc

Rau đay có tác dụng làm mát, tiêu khát, giải nhiệt, chữa trúng nắng. Vì rau đay có nhiều nước, chứa nhiều nhầy, có nhiều đường nên ích lợi cho việc giải nhiệt. Tính hàn của rau đay giúp hóa giải mọi hiện tượng nóng trong.

3. Khai thông tiểu tiện

Những người tiểu bí, tiểu đau, tiểu rát ăn rau đay rất tốt.

Lý do rau đay thân thiện với hệ tiết niệu là bởi rau đay có hoạt chất tác động trên tim mạch (có tác dụng làm tăng số lượng nước tiểu), có tác dụng kháng viêm (nên giải viêm nhiễm đường niệu), tác dụng tiêu thũng (nên nước tiểu sẽ dễ dàng ra ngoài).

Theo suckhoedoisong.vn