Rau đay có tên khoa học là Corchorus olitorius L. Thuộc họ gai (Tiliaceae), cây cao 1-2m, màu đỏ bầm, ít phân nhánh. Lá có phiến hình trái xoan nhọn hay tù ở gốc, có răng, dài 5-9cm, có 3-5 gân gốc. Hoa vàng ở nách lá, xếp 3 cái một trên một cuống chung ngắn; cuống hoa cũng ngắn. Quả hình trụ, dài 5cm, nhẵn, có 10 đường lồi. Hạt hình quả lê, tiết diện ngang có hình 5 cạnh.
ảnh: Cây rau đay
Ở nước ta, rau đay được trồng trong các vườn gia đình để lấy lá non, ngọn non nấu canh với tôm, cua, cá... ăn rất mát. Đặc biệt là hàm lượng chất nhầy trong rau đay rất cao nên ăn rau đay rất lợi nhuận trường, lợi tiêu hóa, giải nhiệt tốt…
Theo Đông y, rau đay có vị đắng, tính lạnh, không độc; có tác dụng kháng viêm, cầm máu, giải nóng mùa hè, hoạt trường, lợi sữa, sinh tân dịch, khỏi táo bón, làm cho dễ sinh và mát máu, an thai. Sau đây là một số bài thuốc từ rau đay:
- Chữa táo bón, giúp nhuận trường: Lấy 200g lá rau đay sắc lên lấy nước uống làm 2 - 3 lần trong ngày. Uống 5 - 7 ngày hoặc nấu canh cùng rau mồng tơi ăn ngày 1 lần trong (ăn từ 5-7 ngày).
-Chữa ít sữa: Tuần đầu tiên sau sinh mỗi ngày ăn khoảng 200g lá rau đay nấu canh vào các bữa ăn chính. Các tuần sau mỗi tuần ăn 2 – 3 lần.
-Chữa cảm nắng nhẹ: Lấy một nắm rau đay tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống, còn bã đắp vào hai bên thái dương. Làm vài lần trong ngày.
- Chữa ngộ độc cá: Lá rau đay tươi (100g) sắc uống với đường phèn, uống càng nhiều càng tốt.
- Chữa lỵ mới phát: Lá ray đay tươi ( 50g) sắc uống thì thông đại tiện, khỏi mót rặn.
- Chữa nóng trong người: Rau đay (200g) nấu với rau mồng tơi, cua đồng ăn với cơm hàng ngày có tác dụng giải nhiệt, dễ tiêu, bổ sung canxi, thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng bức, người mệt mỏi, chán ăn.
ảnh: Canh rau đay nấu tôm tươi thơm ngon và nhiều dinh dưỡng, chữa được một số bệnh lúc giao mùa
DS. Mỹ Nữ