Do vậy, nhiều bà con vùng cao đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cũ sang trồng mô hình cây dược liệu sa nhân tím, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng ở nhiều địa phương.

Đơn cử như gia đình anh Lý Văn Sai, xã Yên Thổ (Bảo Lâm- Cao Bằng) trước đây là hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, phong trào trồng rừng ở địa phương phát triển mạnh, người dân tập trung trồng các loại cây xoan, sưa, mỡ, sa mộc, keo, lát… với khoảng cách 3 - 5 m/cây. Nhận thấy khoảng đất trống đó có thể trồng xen một số loại cây khác để tận dụng quỹ đất hiệu quả là suy nghĩ và mong muốn của anh khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp.

Năm 2018, anh sang tỉnh Yên Bái tham quan mô hình sa nhân tím để học hỏi kinh nghiệm, quy trình trồng, chăm sóc cây sa nhân. Sau đó anh Sai trồng thử nghiệm, sau 3 năm cây bắt đầu cho quả và phát triển, hiệu quả kinh tế khá cao, từ năm thứ 5 trở đi có thể đạt năng suất khoảng 700 - 800 kg quả khô/ha, giá bán từ 280.000 - 300.000 đồng/kg quả khô, 40.000 - 60.000 đồng/kg quả tươi.

Anh Sai cho biết: Cây sa nhân tím phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt, một số cây đã cao bằng đầu người, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Cây rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, làm cỏ, công sức bỏ ra so với trồng lúa, trồng ngô ít hơn; không phải đầu tư phân bón, giống, chỉ cần chăm sóc 3 năm là cho thu hoạch.

"Năm 2021, sau khi thu hái quả, tôi xuất bán khoảng 5.000 cây con, hiện nay, bà con tiếp tục đăng ký mua cây giống, dự kiến tôi thu về từ 45 - 55 triệu đồng. Tôi để lại một số quả tiếp tục làm giống nhân rộng mô hình, đây được coi là cây giảm nghèo hữu hiệu của gia đình tôi"- anh Sai cho biết thêm.

Sa nhân tím, loại dược liệu quý giúp bà con vùng cao thoát nghèo - Ảnh 1.

Vườn sa nhân tím của gia đình anh Lý Văn Sai, xã Yên Thổ (Bảo Lâm- Cao Bằng)

Tại Điện Biên, ông Lỳ Xuyến Phù ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, chia sẻ: "Những năm gần đây, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và tận dụng lợi thế tiềm năng đất rừng, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm cây sa nhân tím dưới tán rừng với diện tích hơn 2ha. Ðến nay, nhờ chăm sóc tốt và điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên cây sinh trưởng, phát triển ổn định; tốn ít chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao". Không chỉ riêng gia đình ông Lỳ Xuyến Phù, trên địa bàn xã Sín Thầu đến nay đã có 70 hộ trồng cây sa nhân tím với tổng diện tích trên 49ha.

Nhận thấy sa nhân tím là loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân lại có giá trị kinh tế cao do vậy những năm gần đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé hướng dẫn người dân phát triển diện tích. Toàn huyện hiện có 107,41ha trồng cây sa nhân; chủ yếu phân bố ở các xã: Sín Thầu (49ha), Chung Chải (8,4ha), Nậm Kè (26,18ha), Pá Mỳ (12,15ha)...

Tương tự, anh Trần Phúc Phương, ở thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương Lào Cai cho biết, gia đình anh có hơn 1,5 ha trồng cây sa nhân, theo tính toán, với giá từ 75.000 - 80.000 đồng/kg quả tươi như hiện nay, gia đình anh sẽ thu về gần 100 triệu đồng.

Sa nhân tím, loại dược liệu quý giúp bà con vùng cao thoát nghèo - Ảnh 2.

Người dân xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, Lào Cai phấn khởi khi giá sa nhân tăng cao gấp 3 - 4 lần so với năm trước.

Anh Phương chia sẻ: "Nói chung, năm nay giá sa nhân dao động khoảng 80.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi, cũng giúp kinh tế phát triển". Nếu như cùng thời điểm này năm trước, giá sa nhân chỉ 40.000 đồng/kg quả tươi, có thời điểm chỉ còn 20.000 đồng, thì năm nay đã tăng gấp 3 - 4 lần và chưa dừng lại.

Anh Ma Văn Sủng, ở xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương cũng cho biết: "Lúc giá xuống 20.000 – 30.000 đồng/kg, chúng tôi thấy rất buồn, cũng chuẩn bị phát quang đi để chuyển đổi cây trồng khác, nhưng quyết giữ lại thêm một năm nữa thì năm nay tôi thấy giá sa nhân cực kỳ cao, bà con rất phấn khởi. Chúng tôi mong rằng có thể phát triển cây này rộng rãi".

Được biết, cây sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng sa nhân được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm.

Như vậy, có thể nói ngoài hiệu quả kinh tế, sa nhân tím còn góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng vì cây chứa nhiều nước. Việc tận dụng trồng xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Sa nhân là loài cây thân thảo, sống lâu năm dưới tán rừng. Thân cây làm bằng lá. Lá hình mác, không có cuống, không lông.. Rễ chùm phân bố lớp đất mặt. Hoa lưỡng tính, tỷ lệ kết quả < 30%. Sa nhân mọc thành khóm nhiều cây, cây nọ cách cây kia 10 - 20 cm.

Sau khi trồng 2 - 3 năm, mỗi nhánh có từ 30 - 50 cây và bắt đầu có quả, là loài cây chịu bóng, thường mọc tự nhiên dưới tán rừng nơi đất ẩm, thoát nước, đất cát pha đến đất thịt. Gặp nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Đông Bắc.

Sa nhân có thể trồng vụ xuân hoặc vụ thu, chọn những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ. Vụ xuân vào tháng 2 - 3. Vụ thu vào tháng 7- 8. Ngoài ra, sa nhân có thể trồng vào cả mùa đông (tháng 11- 12). Thời tiết ít mưa, đất khô phải tưới nhiều, kết quả thu được vẫn rất khả quan.

Sa nhân có nhiều loại, Đông y thường sử dụng chủ yếu là hai loài sa nhân tím và sa nhân trắng vì có giá trị dược liệu cao.

Theo y học cổ truyền, sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa. Thường dùng chữa ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, tiêu chảy, nôn mửa, an thai,...


Theo suckhoedoisong.vn