Cam thảo là vị thuốc thông dụng được sử dụng trong Đông y và Tây y. Cam thảo có tính bình, thơm và ngọt nên được nhiều người ưa chuộng sử dụng làm nước uống, gia vị.
Ngoài ra, cam thảo còn được sử dụng để giúp giảm viêm, làm dịu các triệu chứng về tiêu hóa và một số bệnh về đường hô hấp trên như cảm lạnh, cảm cúm…
Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu trên người về những công dụng của cam thảo đối với sức khỏe nói chung và bệnh hô hấp nói riêng. Mặc dù vậy, cam thảo vẫn được sử dụng phổ biến để hỗ trợ và phòng các bệnh hô hấp, tăng cường sức khỏe.
1. Tác dụng của cam thảo trong việc hỗ trợ điều trị và phòng bệnh hô hấp
Trong cam thảo có hơn 300 hợp chất khác nhau, trong đó có những chất có đặc tính chống viêm, kháng virus và kháng khuẩn.
Các dạng cam thảo khác nhau có thể hỗ trợ điều trị viêm họng và các rối loạn hô hấp trên khác. Nhiều người cho rằng uống trà rễ cam thảo giúp giảm kích ứng nhẹ và làm dịu cơn đau họng.
Đặc biệt, các nghiên cứu trên động vật kết luận rằng chiết xuất glycyrrhizin từ rễ cam thảo giúp giảm các triệu chứng hen suyễn. Tuy nhiên, cần thực hiện nghiên cứu trên người để có khẳng định chính xác nhất.
Ngoài ra, các nghiên cứu hạn chế trên người và ống nghiệm cho thấy rằng trà và chiết xuất từ rễ cam thảo có thể bảo vệ cơ thể chống lại viêm họng liên cầu khuẩn và ngăn ngừa đau họng sau phẫu thuật.
|
|
Cam thảo có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, kháng virus nên có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng của một số bệnh hô hấp trên (Ảnh: Internet) |
Ngoài tác dụng đối với các bệnh hô hấp trên, cam thảo có một số tác dụng khác đối với sức khoẻ như:
- Làm giảm trào ngược axit và chứng khó tiêu: Chiết xuất rễ cam thảo thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng khó tiêu, chẳng hạn như trào ngược axit, đau dạ dày và ợ nóng.
- Hỗ trợ điều trị loét dạ dày tá tràng: Loét dạ dày tá tràng là những vết loét đau phát triển trong dạ dày, thực quản dưới hoặc ruột non. Bệnh thường do viêm do vi khuẩn H. pylori gây ra. Chiết xuất rễ cam thảo và glycyrrhizin trong cam thảo có thể hỗ trợ điều trị loét dạ dày tá tràng.
- Có đặc tính chống ung thư: Do chứa nhiều hợp chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, chiết xuất rễ cam thảo đã được nghiên cứu về tác dụng bảo vệ chống lại một số loại ung thư.
Đặc biệt, chiết xuất cam thảo và các hợp chất của cam thảo có liên quan đến việc làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư da, vú, đại trực tràng và tuyến tiền liệt.
- Một số lợi ích khác của cam thảo: chống sâu răng; tốt cho người bị tiểu đường; giảm triệu chứng mãn kinh; hỗ trợ điều trị viêm gan C, giảm cân, mụn trứng cá, chàm…
Mặc dù có nhiều công dụng đối với sức khoẻ, nhưng lợi ích của cam thảo trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý cần được nghiên cứu toàn diện trên người nhiều hơn.
2. Một số bài thuốc hỗ trợ điều trị và phòng bệnh hô hấp từ cam thảo
Nếu bạn đang gặp một số triệu chứng do cảm lạnh hoặc cảm cúm như đau họng, ho, cổ có đờm, mọi người có thể sử dụng cam thảo theo cách sau:
- Đun sôi vài nhanh cam thảo với nước, sau đó uống từ từ trong ngày
- Kết hợp bột cam thảo với gừng, bột quế. Những nguyên liệu này đều có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn nên hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh hô hấp rất hiệu quả. Các bạn có thể hoà các nguyên liệu trên với nước nóng, thêm một thìa mật ong và uống 1 đến 2 cốc/ngày đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Nhai trực tiếp cam thảo cũng có thể hỗ trợ làm giảm tình trạng đau họng, ho.
|
|
Sắc cam thảo thành trà uống thường xuyên sẽ giúp giảm triệu chứng ho, đau họng (Ảnh: Internet) |
Ngoài ra, mọi người có thể uống cam thảo 1-2 lần/tuần hoặc sử dụng cam thảo làm gia vị để tăng cường sức khỏe, phòng bệnh hô hấp. Thêm vào đó, các bạn nên duy trì lối sống khoa học, ăn uống điều độ, bổ sung đầy đủ dưỡng chất… sẽ phòng bệnh hiệu quả hơn.
3. Một số tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng cam thảo
Nếu dùng cam thảo với liều lượng vừa đủ, trong thời gian ngắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu dùng quá liều rễ cam thảo có thể dẫn tới tình trạng tích tụ glycyrrhizin trong cơ thể.
Nồng độ glycyrrhizin tăng cao đã được chứng minh là gây ra sự gia tăng bất thường của hormone căng thẳng cortisol, có thể gây mất cân bằng mức chất lỏng và chất điện giải.
Việc sử dụng liều lượng lớn và mãn tính các sản phẩm từ rễ cam thảo có thể gây ra một số triệu chứng nguy hiểm như: mức kali thấp, huyết áp cao, yếu cơ, nhịp tim bất thường.
Hiện tại không có khuyến nghị về liều lượng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Khoa học Thực phẩm Châu Âu (SCF) đều khuyến nghị hạn chế lượng glycyrrhizin ăn vào không quá 100 mg mỗi ngày.
Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng ngộ độc cam thảo vẫn có thể xảy ra, dẫn đến tình trạng suy thận, suy tim sung huyết hoặc phù phổi.
Do đó, những người bị huyết áp cao, suy tim sung huyết, bệnh thận hoặc nồng độ kali thấp được khuyến khích tránh hoàn toàn các sản phẩm cam thảo có chứa glycyrrhizin.
Ngoài ra, phụ nữ có thai và cho con bú khi tiêu thụ quá nhiều cam thảo có chứa glycyrrhizin sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của bé. Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ, các mẹ bầu, đang cho con bú không nên sử dụng dược liệu này.
Cam thảo còn tương tác với một số loại thuốc như: thuốc huyết áp, thuốc làm loãng máu, thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm cholesterol - bao gồm cả statin, ... Vì thế, những người đang dùng các loại thuốc trên không nên dùng cam thảo, nếu muốn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
Tóm lại, cam thảo là dược liệu tốt cho sức khỏe, có tác dụng trong hỗ trợ và phòng tránh một số bệnh hô hấp trên. Nhưng dùng đúng liều lượng, đúng cách là điều cần thiết để tránh gặp những tác dụng phụ không mong muốn. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng cam thảo, hãy ngưng sử dụng và xin lời khuyên từ bác sĩ.
Vân Anh (Nguồn: Healthline.com)