1. Nguyên nhân gây viêm xoang

Theo PGS.TS.BS. Phạm Bích Đào, giảng viên cao cấp Bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y Hà Nội, viêm xoang là tên gọi chung của tình trạng viêm nhiễm của lớp niêm mạc hô hấp lót ở phía trong xoang mũi.

Có nhiều nguyên nhân gây hiện tượng này như sự tấn công của vi khuẩn, bụi, dị nguyên... có hại trong môi trường. Khi đó, trong xoang mũi sẽ xảy ra hiện tượng tăng tiết dịch nhầy, phù nề gây khó chịu cho người bệnh.

ThS. BS. Nguyễn Thái Linh, trưởng phòng khám Ngũ Quan, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 cho biết, trong Y học cổ truyền, các triệu chứng của viêm xoang được mô tả trong chứng như tỵ uyên, tỵ cam, đầu thống… trong đó tỵ uyên được miêu tả có bệnh cảnh giống viêm xoang hơn cả với các biểu hiện chảy nước mũi đục, nghẹt mũi, đau đầu.

Nguyên nhân gây ra viêm mũi xoang có thể do thói quen ăn uống, lo lắng, căng thẳng. Tuy nhiên, hiện nay, các quan điểm YHCT đều cho rằng bệnh viêm xoang là do cảm nhiễm ngoại tà như nhiễm phong hàn, phong nhiệt hoặc cảm hàn hóa nhiệt như sau khi đi mưa, sau khi tiếp xúc gió lạnh, ở trong phòng máy lạnh…

photo-1692766918567

Hình ảnh các xoang bị viêm

2. Cách sử dụng cây hoa cứt lợn trị viêm xoang

Theo sách Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, cây hoa cứt lợn còn có tên gọi khác là cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, cỏ hôi. Tên khoa học Ageratum conzoides L., thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).

Cây hoa cứt lợn mọc hoang dại ở khắp nơi. Người ta hái toàn cây cắt bỏ rễ, thu hái quanh năm, tốt nhất là vào mùa hè, dùng tươi hay phơi khô sau khi đã rửa sạch đất, cát (chủ yếu là dùng tươi nhiều hơn).

Theo các nghiên cứu hiện đại, trong hoa ngũ sắc có 0.7 – 2% tinh dầu, có khả năng ức chế mạnh các vi khuẩn như tụ cầu vàng, Bacillus subtilis, E.coli và trực khuẩn mủ xanh… Bên cạnh đó, các hoạt chất quý trong hoa ngũ sắc như cadinen, caryophyllen, geratocromen, demetoxygeratocromen cũng có khả năng chống viêm, giảm phù nề, dị ứng và giảm tiết dịch.

photo-1692766920056

Cây hoa cứt lợn

Theo Đông y, cây hoa cứt lợn có vị hơi đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, cầm máu... thường dùng làm thuốc chống viêm, chống phù nề, chống dị ứng trong các trường hợp sổ mũi, viêm xoang mũi dị ứng cấp và mạn tính.

Để chữa bệnh viêm xoang mũi dị ứng, hái cây tươi về rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước tẩm vào bông. Dùng bông này nhét vào lỗ mũi bên đau khoảng 15-20 phút. Sau đó, rút bông ra để dịch mủ từ trong xoang và mũi chảy ra ngoài rồi xì nhẹ nhàng. Lưu ý, không nên xì mũi mạnh do dịch từ trong mũi xoang có thể đi qua đường nối thông giữa mũi và tai gây viêm tai giữa cấp.

Hoặc sử dụng 15-30g cành lá khô sắc với 500ml nước, còn lại 200ml và xông mũi, vừa uống 2 lần/ngày trước bữa ăn.

photo-1692766920673

Cây hoa cứt lợn được chứng minh có tác dụng tốt với người bệnh viêm xoang.

3. Công dụng khác của cây hoa cứt lợn

- Chữa phụ nữ rong huyết sau khi sinh: Dùng 30 - 50g cây cỏ cứt lợn tươi rửa thật sạch, giã nhỏ, chế thêm nước rồi vắt lấy nước cốt, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống liên tục 3 - 4 ngày.

- Giúp tóc suôn mượt: Dùng cây hoa cứt lợn phối hợp với bồ kết nấu nước gội đầu giúp tóc thơm tho, trơn mượt, sạch gàu. 

Theo phụ nữ TPHCM