1. Công dụng của tỏi

Tỏi là gia vị không chỉ được sử dụng để làm tăng hương vị và màu sắc của thực phẩm, mà còn được sử dụng cho mục đích y tế với khả năng ngăn ngừa, điều trị các bệnh cấp tính và mãn tính khác nhau. Các hợp chất hoạt tính sinh học khác nhau của các loại gia vị, bao gồm alkaloid, tannin, vitamin và phenolic diterpenes, flavonoid và polyphenol, có đặc tính chữa bệnh, nhờ vào khả năng chống oxy hóa, kháng ung thư, kháng viêm, và các đặc tính hạ đường huyết và cholesterol.

Tỏi (Allium sativum L.) được trồng khắp nơi trên thế giới, cung cấp những lợi ích sức khỏe đáng chú ý. Vào năm 1550 trước Công nguyên, thuốc kháng sinh và dược phẩm không có sẵn nên tỏi được sử dụng cho mục đích y tế trong các bệnh dịch khác nhau, như sốt phát ban, kiết lỵ, dịch tả và cúm. 

Bác sĩ Hy Lạp cổ đại Hippocrates, người được coi là "cha đẻ của y học phương Tây", đã kê đơn tỏi cho nhiều loại bệnh tật. Hippocrates đã thúc đẩy việc sử dụng tỏi để điều trị các vấn đề về hô hấp, ký sinh trùng, tiêu hóa kém và mệt mỏi.

Tỏi - công dụng và những tương tác thuốc gây nguy hiểm cần đặc biệt lưu ý - Ảnh 1.

Củ tỏi

Hiện nay, tỏi được sử dụng rộng rãi cho một số bệnh liên quan đến tim mạch. Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về tỏi, đặc biệt là tác dụng của tỏi đối với lượng lipid trong máu cao (mỡ máu) và huyết áp cao (tăng huyết áp). Kết quả cho thấy:

  • Mặc dù có bằng chứng mâu thuẫn nhau, nhưng các kết quả đáng tin cậy nhất cho thấy rằng việc bổ sung tỏi có thể làm giảm mức cholesterol toàn phần và mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) ở những người có mức lipid máu cao. 
  • Bổ sung tỏi có thể hữu ích cho bệnh cao huyết áp, nhưng bằng chứng còn hạn chế.
  • Nghiên cứu đáng tin cậy nhất đã phát hiện ra rằng việc ăn tỏi như một loại thực phẩm hoặc chất bổ sung không liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển ung thư đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, hiện không có đủ bằng chứng để chứng minh liệu tỏi có hữu ích đối với cảm lạnh thông thường hay không. Cũng không có bằng chứng ủng hộ việc sử dụng tỏi đối với COVID-19. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) không phê duyệt tỏi để sử dụng làm thuốc và phân loại nó như một chất thực phẩm.

2. Những lưu ý khi sử dụng sản phẩm bổ sung tỏi

Thành phần hoạt chất và chất chống oxy hóa được nghiên cứu nhiều nhất trong tỏi được gọi là allicin. Các sản phẩm tỏi được bán dưới dạng thực phẩm chức năng có thể khác nhau nhiều về lượng allicin. Nếu chọn sử dụng sản phẩm bổ sung tỏi, hãy sử dụng theo chỉ dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ và cần lưu ý:

- Không sử dụng sản phẩm này nhiều hơn mức khuyến cáo trên nhãn.

- Không sử dụng các dạng tỏi khác nhau (tép, viên nén, dầu...) cùng một lúc mà không có lời khuyên của bác sĩ. Sử dụng các công thức khác nhau cùng nhau làm tăng nguy cơ quá liều.

- Không nghiền nát, nhai hoặc phá vỡ viên thuốc bao tan trong ruột. Viên thuốc có một lớp phủ đặc biệt để bảo vệ dạ dày của bạn, làm vỡ viên thuốc sẽ làm hỏng lớp phủ này. Vì vậy, cần nuốt toàn bộ viên thuốc với nước.

- Tỏi có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu và có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu cần tiến hành phẫu thuật, nha khoa hoặc thủ thuật y tế, hãy ngừng dùng tỏi ít nhất trước 2 tuần.

Tỏi có thể gây ra một số tác dụng phụ, như đau bụng và đau đầu, và có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc tránh thai. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định sử dụng thực phẩm bổ sung tỏi.

3. Những phản ứng phụ của tỏi

Khi dùng bằng đường uống, tỏi có thể an toàn đối với hầu hết mọi người nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ như hôi miệng, ợ chua, đầy hơi và tiêu chảy. 

Tỏi cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và gây ra các phản ứng dị ứng ở một số người.

 Ngừng sử dụng tỏi và liên hệ với cơ sở y tế ngay lập tức nếu có: Đỏ, sưng hoặc phồng rộp (khi bôi lên da); hoặc dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (chảy máu cam, chảy máu nướu răng). Tỏi nguyên liệu có thể không an toàn khi bôi lên da. Nó có thể gây kích ứng da nghiêm trọng.

Tỏi - công dụng và những tương tác thuốc gây nguy hiểm cần đặc biệt lưu ý - Ảnh 3.

Một số loại thuốc có thể gây tương tác nguy hiểm với tỏi.

4. Những tương tác thuốc cần đặc biệt lưu ý

Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. 

Một số loại thuốc có thể tương tác với tỏi, bao gồm:

4.1 Thuốc chống đông máu

Những người đang dùng thuốc chống đông máu rất dễ bị tương tác nguy hiểm với các chất bổ sung, trong đó có tỏi. Với liều lượng cao được tìm thấy trong các chất bổ sung, tỏi hoạt động như một chất làm loãng máu. Warfarin được sử dụng để làm chậm quá trình đông máu. Tỏi có thể làm tăng hiệu quả của warfarin. Dùng tỏi cùng với warfarin có thể làm tăng nguy cơ bị bầm tím và chảy máu quá nhiều. 

4.2 Thuốc huyết áp

Tỏi có thể làm giảm huyết áp ở một số người. Dùng tỏi cùng với các loại thuốc hạ huyết áp có thể khiến huyết áp xuống quá thấp. Không nên dùng quá nhiều tỏi nếu đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao. Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao bao gồm nifedipine, verapamil, diltiazem, isradipine, amlodipine...

4.3 Thuốc điều trị HIV

Saquinavir là một loại thuốc điều trị HIV. Tỏi có thể làm giảm lượng saquinavir đi vào máu. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

4.4 Thuốc điều trị lao

Isoniazid là một thuốc kháng sinh chống vi khuẩn được dùng để điều trị và phòng ngừa bệnh lao. Tỏi có thể làm giảm lượng isoniazid mà cơ thể hấp thụ, dẫn đến làm giảm hiệu quả hoạt động của isoniazid. Vì vậy không dùng tỏi nếu điều trị bằng thuốc isoniazid.

Ngoài ra không dùng tỏi mà không có lời khuyên y tế nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào sau đây: Paracetamol, thuốc tránh thai, theophylline, NSAID (thuốc chống viêm không steroid) như aspirin, ibuprofen, celecoxib, diclofenac, meloxicam...

Thận trọng khi sử dụng tỏi nếu đang sử dụng thuốc để điều trị bất kỳ tình trạng nào sau đây:

  • Bất kỳ loại nhiễm trùng nào (bao gồm cả HIV, sốt rét, hoặc bệnh lao)
  • Trầm cảm
  • Hen suyễn hoặc dị ứng
  • Ung thư
  • Rối loạn cương dương
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản 
  • Huyết áp cao, cholesterol cao, hoặc bệnh tim
  • Đau nửa đầu
  • Bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp, hoặc các rối loạn tự miễn dịch khác
  • Rối loạn tâm thần hoặc co giật.

5. Các đối tượng cần thận trọng khi sử dụng tỏi

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú:Tỏi có thể an toàn khi dùng bằng đường uống với lượng thường thấy trong thực phẩm. Tỏi có thể không an toàn khi được sử dụng làm thuốc trong thời kỳ mang thai và khi cho con bú. Không có đủ thông tin đáng tin cậy về sự an toàn của việc thoa tỏi lên da nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.
  • Trẻ em: Tỏi có thể an toàn khi trẻ em nhưng không có đủ thông tin đáng tin cậy để biết liệu tỏi có an toàn khi sử dụng với liều lượng lớn hơn hoặc lâu hơn 8 tuần hay không. Có thể không an toàn khi thoa tỏi sống lên da trẻ vì có thể làm bỏng da.
  • Rối loạn chảy máu: Tỏi, đặc biệt là tỏi tươi, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • ‎Phẫu thuật: Tỏi có thể kéo dài thời gian chảy máu và cản trở huyết áp. Tỏi cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu. Ngừng dùng tỏi ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.

Mặc dù viên nang tỏi có thể có tác dụng hữu ích đối với một số vấn đề sức khỏe, nhưng không nên sử dụng thực phẩm chức năng để tự điều trị bất kỳ triệu chứng nào có thể gặp phải. Không phải tất cả các chất bổ sung tỏi đều chứa cùng một lượng hoạt chất, vì vậy nên sử dụng các sản phẩm bổ sung tỏi đã được tiêu chuẩn hóa. Tham khảo ý kiến bác sĩ để thảo luận về bất kỳ tình trạng sức khoẻ nào có thể có để tránh các tương tác và tác dụng phụ gây hại.

Theo suckhoedoisong.vn