1. Tác dụng dược lý của tía tô
Đông y xếp lá tía tô vào nhóm thuốc "tân ôn giải biểu", có tên thuốc là tô diệp.
- Tô diệp: Vị cay, tính ấm; vào các kinh phế và tỳ; có tác dụng phát biểu tán hàn (giải cảm lạnh), lý khí hòa trung (điều hòa chức năng tiêu hóa) và an thai.
Tía tô dùng chủ trị ngoại cảm phong hàn, tỳ vị khí trệ (đầy bụng, tiêu hóa kém), thai động không yên, còn được dùng để giải độc tôm cua, mật cá.
- Tô ngạnh (cành tía tô): Có vị cay ngọt, tính hơi ấm; vào 3 kinh phế, tỳ và vị; có tác dụng lý khí giải uất, chỉ thống (giảm đau), an thai, làm mạnh dạ dày, chống nôn mửa; chủ trị ngực bụng đầy tức, thai động bất an.
Lá tía tô không chỉ làm rau gia vị mà còn là vị thuốc chữa bệnh.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, lá tía tô có tác dụng giải nhiệt, trấn tĩnh và làm tăng đường huyết. Nước cất và nước sắc của lá tía tô có phổ kháng khuẩn rộng, có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn ruột kết, trực khuẩn lỵ, tụ cầu khuẩn, một số nấm gây bệnh ngoài da.
Cành và lá tía tô có khả năng xúc tiến quá trình phân tiết dịch tiêu hóa, tăng cường nhu động dạ dày, ruột; làm giảm sự phân tiết dịch nhầy trong phế quản, hoãn giải sự co thắt phế quản, do đó có tác dụng giảm ho, trừ đờm và cắt cơn hen suyễn.
Thuốc từ cây tía tô có tác dụng chống đông máu, có thể ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, giảm độ đặc và độ dính của máu, bảo vệ tim mạch, chống ô xy hóa, chống ung thư.
2. Lá tía tô chữa bệnh hô hấp
Một trong số các bài thuốc có lá tía tô để trị bệnh đường hô hấp
Tía tô hỗ trợ điều trị chữa viêm khí quản mạn tính
Bài 1: Dùng lá tía tô 15g, gừng khô 3g; sắc nước uống trong ngày. Hỗ trợ điều trị chữa viêm khí quản mạn tính. Sau khi dùng thuốc 10-15 ngày triệu chứng ho và khó thở cải thiện rõ rệt.
Đa số bệnh nhân phản ánh ăn uống ngon miệng và ngủ ngon giấc hơn. Một số thấy lợi tiểu và giảm phù. Cá biệt thấy miệng khô, nước bọt giảm, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, có tính tạm thời, không cần xử lý, sau một thời gian thì tự hết.
Bài 2: Dùng hạt tía tô, hạt cải thìa, hạt củ cải, liều lượng bằng nhau, tán thô, trộn đều; mỗi ngày dùng 9g sắc nước uống. Nếu đại tiện táo bón thì hòa thêm chút mật ong. Mùa đông trời lạnh thêm 3 lát gừng cùng sắc uống, chữa chứng suyễn thở, ho nhiều đờm ở người cao tuổi.
3. Lưu ý khi dùng tía tô trị bệnh
- Dùng tía tô quá nhiều dễ gây mệt mỏi, táo bón, tiểu tiện đỏ.
- Cần lưu ý vị thuốc tía tô chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, giúp phục hồi các thể bệnh nhẹ liên quan đến cảm lạnh, nhức đầu, nghẹt mũi, ho; trường hợp bệnh nặng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
- Người bị cảm phong nhiệt ra nhiều mồ hôi không nên dùng thuốc từ cây tía tô có thể khiến bệnh nặng thêm nguy hiểm cho cơ thể.
- Mặc dù tía tô có tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng quá liều và dùng trong thời gian dài có thể làm tăng huyết áp. Để an toàn nhất, người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y học cổ truyền uy tín để được tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.
Theo suckhoedoisong.vn