1.Trần bì, vị thuốc long đờm trị ho
Để làm vị thuốc này chỉ cần giữ lại vỏ quýt sau khi ăn, rửa sạch, sau đó phơi chỗ râm mát (tránh mất tinh dầu), bảo quản nơi khô ráo thoáng mát. Khi dùng, ngâm rửa sạch, bỏ hết xơ trắng, sắc nước uống.
Dùng độc vị:
-Giảm ho, long đờm: Trần bì 10-12g sắc nước uống.
Dùng phối hợp với một số vị thuốc khác:
-Trị cảm lạnh: Trần bì 6g, bạch linh 12g, bán hạ 6g, cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát, sắc uống ngày một thang.
-Giảm đau thượng vị, trướng bụng đầy hơi, nôn: Trần bì 20g, gạo tẻ 100g. Trần bì sắc lấy nước, nấu với gạo thành cháo,
-Hỗ trợ điều trị viêm dạ dày: Trần bì 20g, hương phụ (sao dấm) 15g, gừng tươi. sắc uống.
Dùng ngoài:
Trần bì 30g, hành hoa 15g, sắc lấy nước đặc, tẩm nước thuốc, xoa, đắp lên chỗ da khô, nứt nẻ mùa lạnh.
2. Ngải diệp (lá ngải cứu) giảm đau, trị cảm cúm
Ngải cứu mua về rửa sạch, nhặt lấy lá riêng phơi trong râm mát cho đến khi khô. Ngải cứu là vị thuốc thông dụng trong cả Đông và Tây y, chủ yếu làm thuốc điều kinh. Dùng ngoài chữa đau nhức khớp xương
Dùng độc vị:
- Chữa kinh nguyệt không đều: Ngải cứu khô 10-20g, tươi 20-40g, sắc với nước, có thể thêm đường để uống.
Dùng phối hợp với một số vị thuốc khác:
- Trị đau bụng kinh: Hương phụ, ngải cứu, lượng bằng nhau, phơi khô, tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2- 4g.
-Trị cảm cúm, đau đầu, đau dây thần kinh: Lá ngải cứu, lá tía tô, lá sả, mỗi vị 16g, sắc uống.
-Thuốc an thai, dùng trong trường hợp thai động bất an: Ngải cứu 24g, toan táo nhân 12g, sinh khương 14g. Sắc uống.
Dùng ngoài:
Giảm đau lưng: Ngải cứu tươi, rửa sạch, giã nát, trộn với giấm đun nóng, xoa dọc xương sống,
3.Long nhãn bổ huyết, an thần, tăng trí nhớ
Long nhãn là cùi nhãn phơi hoặc sấy khô. Nhãn mua nhúng vào nước sôi 1-2 phút, phơi hoặc sấy khô (lúc lắc quả nhãn thấy kêu lóc cóc là được). Bóc vỏ, bỏ hạt, lấy cùi sấy lại cho đến khi cầm không dính tay là được, 1 kg nhãn tươi sẽ cho ra 100g long nhãn. Long nhãn vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ máu, an thần, tăng trí nhớ, chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ, hay quên.
Dùng độc vị:
- Chữa tỳ hư, tiêu chảy: Long nhãn 14-16g, gừng tươi (3 lát). Sắc uống.
-Bổ huyết, dưỡng tâm, bồi dưỡng cơ thể sau sinh, phòng ngữa lão suy: Long nhãn 30g, đường trắng 3g. Hấp trong nồi hoặc chưng trong 20 phút là dùng được.
Dùng phối hợp với một số vị thuốc khác:
- Trị chứng hay quên, hồi hộp, ngủ không ngon giấc, mất ngủ, đổ mồ hôi trộm: Long nhãn 15g, toan táo nhân 6g, kỷ tử 10g, gạo lứt 100g. Nấu gạo lứt đun sôi 10-20 phút thành cháo, cho kỷ tử, táo nhân vào nấu chín nhừ. Chia ăn trong ngày.
- Bồi bổ cho người cao tuổi trong mùa đông, trị đau lưng, tỳ hư, thận hư chân phù, tóc bạc: Long nhãn 16g, đậu đen 60g, táo tầu 50g. sắc nước uống. Chia 2 lần, sớm tối.
Dùng ngoài:
- Điều trị lở ngứa ở các khe ngón chân: Long nhãn tán bột mịn rắc vào nơi tổn thương.
Long nhãn bồi bổ cho người cao tuổi trong mùa đông
4. Xơ mướp cầm máu trong bệnh trĩ
Mướp mua về treo cho khô, khi cần lấy xuống cắt khúc bỏ hết lớp thịt và hạt rồi dùng.
Xơ mướp là vị thuốc thanh lương, hoạt huyết, thông kinh, giải độc, giảm đau, cầm máu trong bệnh trĩ.
Dùng độc vị:
- Chữa bệnh trĩ, rong kinh, băng huyết: Xơ mướp đốt tồn tính, tán bột, ngày 4-6g chia 2 lần. Hòa với nước ấm để chiêu thuốc.
Dùng phối hợp với một số vị thuốc khác:
- Chữa hen suyễn: Xơ mướp 20g cắt nhỏ, sao; hạt đay quả dài 12g, giã dập, sao. Trộn đều, sắc uống lúc nóng. Ngày hai lần.
- Chữa bệnh sởi: Xơ mướp 20g, kinh giới 12g, bạch chỉ 12g, kim ngân 12g, cỏ mần trầu 8g, cam thảo nam 4g. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc uống trong ngày.
Xơ mướp còn được dùng để chế biến sơ bộ sáp ong làm thuốc theo cách sau: Lấy xơ mướp sạch xếp thành một lớp trên vỉ tre trong nồi hoặc chõ đã có sẵn nước. Tầng sáp ong sau khi đã lấy hết mật được rải đều và mỏng trên xơ mướp. Đậy vung nồi cho thật kín. Đun sôi nước. Hơi nước sôi bốc lên sẽ làm lớp sáp ong chảy thành giọt qua xơ mướp để lại những cặn bẩn. Tiếp tục đun đến khi không còn mảnh sáp trên xơ mướp là được. Bắc nồi ra, để nguội. Sáp ong được sơ chế đóng thành váng trên mặt nước, dày hay mỏng tùy thuộc vào số lượng tầng sáp ong đem chế biến. Vớt sáp ra, đun cách thủy cho chảy, rồi đổ khuôn.
5. Màng mề gà chữa bệnh đường tiêu hóa
Màng mề gà mua về, rửa sạch, bóc lấy lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề gà, phơi khô. Khi dùng sao với cát cho phồng hoặc sao vàng. Màng mề gà có tác dụng bổ tỳ vị, chữa các chứng đau bụng, khó tiêu, ăn uống kém, bụng đầy trướng, đại tiện lỏng, tiểu khó.
Dùng độc vị:
- Chữa đầy bụng, tiểu tiện bất lợi (tiểu rắt,tiểu buốt): Màng mề gà sao 60g, tán bột, mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần với nước ấm.
Dùng phối hợp với một số vị thuốc khác:
- Chữa đau dạ dày: Màng mề gà 10g, nga truật 30g, cam thảo 10g, tán thành bột, uống mỗi ngày 4g trước bữa ăn 30 phút.
- Chữa viêm đại tràng mạn tính: Màng mề gà 10g, bạch truật 10g. Tán bột, trộn đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g.
- Chữa ho gà: Màng mề gà 10g (sao vàng thành bột), mật ong 50g, tỏi 10 nhánh (ép lấy nước), mã thầy 500g (ép lấy nước). Hòa đều, đun sôi. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 ml.
Dùng ngoài:
- Chữa viêm lợi, cam răng: Màng mề gà đốt tồn tính, tán bột, hòa với dầu vừng, bôi.
Theo suckhoedoisong.vn