Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để phòng và điều trị Covid-19, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết. Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tùy theo triệu chứng, tình trạng bệnh. Khi có triệu chứng hô hấp (nghẹt mũi, sổ mũi, nhức đầu) có thể xông thảo dược để vừa giảm triệu chứng, vừa làm dịu thần kinh, giảm đau nhức, an thần, dễ ngủ.
"Tuy nhiên, xông hơi không có thể giúp ngăn ngừa, chữa khỏi bệnh Covid-19", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Ông phân tích, nCoV không sống bên ngoài tế bào. Khi nhiễm, virus sẽ chui vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, nhờ tế bào của người bị nhiễm sản xuất ra nhiều virus mới và xâm nhiễm qua các tế bào lân cận qua khoảng kẽ những tế bào.
Xông nóng chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, tức không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào. Vì thế súc họng hay xông mũi họng cỡ nào cũng không tiêu diệt được chúng, cũng như không ngăn chặn được việc lây nhiễm bệnh. Xông hơi do đó chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hô hấp, giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi, khô họng, loãng đàm.
Cụ thể, hơi nước nóng bốc lên từ nồi xông thảo dược làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài, giúp người bệnh có cảm giác rất dễ chịu. Xông hơi nóng nhằm làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, giúp dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn, giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, giảm sung huyết niêm mạc mũi. Độ nóng thích hợp sẽ tạo cảm giác thư giãn thoải mái, giảm đau nhức cơ.
Tinh dầu nhìn chung đều mang các hợp chất kháng khuẩn, khi đi vào cơ thể giúp diệt mầm bệnh. Các hợp chất này tùy thuộc vào loại dầu cụ thể, nhưng có hai hợp chất đáng kể là aldehyde và phenol. Aldehyde là một chất khử trùng phổ rộng với khả năng khử trùng và tiêu diệt nấm, virus, vi khuẩn. Còn phenol là hợp chất hoạt động như chất chống oxy hóa, cũng đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn.
Khi ta hít vào, các phân tử mùi hương trong tinh dầu sẽ đi trực tiếp từ dây thần kinh khứu giác lên não, đặc biệt tác động đến hạch hạnh nhân, trung tâm cảm xúc của não. Qua đó, liệu pháp mùi thơm có thể giúp người bệnh giảm các triệu chứng căng thẳng thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, buồn nôn, kích thích giúp phục hồi khứu giác trong trường hợp người bệnh mắc Covid-19 gây mất hoặc giảm khứu giác.
Phơi khô tía tô, vỏ bưởi, hương nhu, sả... để dùng xông. Ảnh: Thư Anh
Theo bác sĩ Vũ, tùy điều kiện từng vùng có thể tìm những nguyên liệu xông khác nhau. Loại lá cành gồm kinh giới, tía tô, bạc hà, hương nhu, cúc tần, sả... Loại lá như chanh, bưởi, cam, quít, ổi, hương thảo, oải hương... Người bệnh có thể dùng lá tươi, lá khô hoặc các dạng bào chế sẵn như gói thuốc xông.
Dược liệu xông có thể dùng tươi hoặc khô, nhưng cần chú ý chất lượng các loại thảo dược, nên rửa sạch để không dính bụi, nếu khô chọn loại không bị nấm mốc. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng vài giọt tinh dầu tràm, sả, gừng... hay các viên xông dạng viên nang mềm đóng gói sẵn, hoặc xé các viên thuốc chứa tinh dầu như eugica để xông.
Để xông đúng cách, hiệu quả và an toàn thì trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể. Không tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở nếu gặp lạnh sẽ bít lại, không thoát được nước dẫn đến máu huyết không lưu thông.
Nếu xông toàn thân, nơi xông phải kín gió. Đặt nồi xông thật vững chắc ở trên nền nhà (mặt bàn, giữa giường). Người bệnh ngồi cạnh nồi xông, chống hai tay bên cạnh nồi xông, cúi khom sao cho đầu-cổ-ngực ở phía trên miệng nồi, nơi trực tiếp hứng nhiều hơi thuốc. Người bệnh mở hé nắp nồi để hơi thuốc thoát ra từ từ vừa đủ sức chịu đựng. Người nhà dùng chăn mỏng phủ kín toàn bộ người bệnh và nồi xông. Khi mồ hôi đã ra nhiều ướt áo thì ngừng xông, lau khô người, thay áo, đắp chăn nằm nghỉ.
Xông đầu mặt cũng tương tự, nhưng chỉ cần phủ khăn vùng đầu mặt. Bệnh nhân hít thở sâu để hơi nước và tinh dầu đi vào vùng mũi họng. Sau khi xông lau khô vùng đầu mặt. Xông vùng mặt có tác dụng khác là giúp da mặt sáng, mịn màng, loại bỏ bã nhờn, làm se khít lỗ chân lông.
Người bệnh nên kết hợp cả hai phương pháp này xen kẽ. Nếu chỉ có triệu chứng khó chịu về đường hô hấp trên (sổ mũi, nghẹt mũi, giảm, mất mùi...) thì chỉ cần xông vùng đầu mặt là được. Nếu có thêm các triệu chứng toàn thân như sợ lạnh, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân thì nên xông toàn thân. Xông toàn thân tối đa mỗi tuần 2-3 lần, xông vùng đầu mặt thì mỗi ngày1-2 lần, mỗi lần không quá 15-20 phút. Xông quá lâu gây đổ mồ hôi nhiều, làm mất nước, chóng mặt, khó chịu.
Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn... bệnh nhân cần ngừng ngay. Trường hợp bị sốc nặng phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Nếu người bệnh sốt cao, co giật do nhiễm khuẩn (như viêm họng, ho, chấn thương, nhiễm trùng...) thì không nên tùy tiện xông hơi mà phải đi khám ở cơ sở y tế. Bệnh nhân già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể... khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã.
Đặc biệt, những người sốt cao, sợ nóng không sợ lạnh, ra nhiều mô hôi, không khát nước; cơ thể suy nhược, vừa ốm khỏi, già yếu, mệt mỏi, thiếu máu, đang mang thai hoặc vừa mới sanh, đang bị tiêu chảy; cảm nắng, có triệu chứng ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, mệt lả... không nên xông.
"Chỉ những người có triệu chứng mới nên xông hơi, không nên lạm dụng và chỉ nên xông hơi một mình. Nên tuân thủ những phương pháp phòng ngừa Covid-19 chính thống, không nên tin tưởng vào những lời đồn thổi truyền miệng", bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Theo vnexpress