BS.CKI Lâm Nguyễn Thùy An (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết trong y học cổ truyền (YHCT), tía tô có vị cay, tính ấm, quy kinh phế, tỳ. Loại thảo mộc này là rau gia vị quen thuộc, không chỉ dùng kèm và chế biến thành nhiều món ăn ngon mà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh.

Y học cổ truyền VN nói gì về công dụng sức khoẻ của rau tía tô? - Ảnh 1.

SHUTTERSTOCK

Dược liệu quý hỗ trợ chữa bệnh, làm đẹp

Cũng theo BS.CKI Lâm Nguyễn Thùy An, tía tô từ lâu đã được sử dụng như dược liệu tự nhiên để phục hồi các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như bệnh liên quan đến ho, cảm lạnh, sốt, ớn lạnh, nhức đầu, nghẹt mũi, hen suyễn, khó thở, lo lắng, trầm cảm, dị ứng, nhiễm độc và một số rối loạn đường ruột.

Một số báo cáo khoa học cho thấy trong tía tô có axit rosmarinic, có thể giúp ức chế viêm kết mạc do dị ứng theo mùa ở người. Một nghiên cứu cũng chỉ ra bổ sung axit rosmarinic bằng đường uống là một biện pháp can thiệp hiệu quả cho bệnh nhân ở nhóm tuổi từ 21 - 53 bị viêm kết mạc giác mạc dị ứng theo mùa nhẹ, giảm bớt các triệu chứng ngứa mũi, chảy nước mắt, ngứa mắt…

Tinh dầu tía tô nguyên chất được chiết xuất từ các cơ quan như chồi, thân, lá… còn được biết là có các hoạt tính sinh học khác nhau bao gồm kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, chống viêm, chống ung thư, chống đái tháo đường và chất chống oxy hóa.

Thành phần perillaldehyde trong tinh dầu từ lá tía tô cũng được phát hiện có đặc tính chống trầm cảm.

Bên cạnh đó, hạt tía tô là nguồn cung cấp thành phần axit béo tốt như axit palmitic, axit stearic, axit oleic, linoleic axit và axit linolenic. Ngoài ra, hàm lượng axit béo không bão hòa trong dầu hạt tía tô thường trên 90%, chứa hàm lượng axit α-linolenic khá cao, dao động từ 52,58% đến 61,98%, được kỳ vọng giúp cơ thể giảm mức cholesterol và chất béo trung tính trong huyết thanh, giảm nguy cơ ung thư ruột kết và ngăn ngừa sự phát triển quá mức của các mô mỡ nội tạng.

Nói về công dụng làm đẹp của tía tô, BS.CKI Thùy An cũng cho biết thành phần protein thực vật, chất xơ cùng nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu có trong loại rau này có khả năng thúc đẩy dạ dày, tăng cường chuyển hóa, trao đổi chất. Đặc biệt, lượng chất xơ trong loại lá này còn có tác dụng tạo dựng cơ, giúp vóc dáng săn chắc, thon gọn tương tự việc tập luyện thể dục, thể thao.

Chiết xuất lá tía tô đã được chứng minh là ức chế sự tổng hợp tyrosinase và melatonin ở chuột, cho thấy tiềm năng giúp làm sáng da. Uống nước lá tía tô mỗi ngày bổ sung cho cơ thể lượng dưỡng chất lớn có vai trò ngăn chặn sự hình thành sắc tố melamin, nguyên nhân gây nám, tàn nhang, đốm nâu trên da.

Đối tượng nào cần thận trọng?

BS.CKI Thùy An cũng cho biết dù tía tô mang nhiều lợi ích nhưng nó cũng có một số tác dụng không mong muốn. Dùng tía tô quá nhiều có thể khiến người mệt mỏi, kém ăn, thở nông, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ…

Người đang cảm nóng, ra nhiều mồ hôi cũng không nên dùng, vì lá tía tô có dược tính khiến người dùng ra mồ hôi nhiều, sử dụng kéo dài có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.

Đối với phụ nữ mang thai, mặc dù tía tô có tác dụng an thai nhưng nếu dùng nhiều và trong thời gian dài cũng có thể làm tăng huyết áp.

BS.CKI Thùy An cũng cần lưu ý rằng tía tô chỉ có tác dụng hỗ trợ, những trường hợp có bệnh lý nặng không nên dùng thay thuốc mà cần được thăm khám và điều trị chuyên khoa.

Cách sử dụng tía tô

Dưới đây là một số gợi ý của BS.CKI Thùy An để sử dụng tía tô giúp giảm ho đờm, khó thở, tăng cường chính khí, đồng thời hỗ trợ điều trị hen suyễn, cảm lạnh, làm đẹp da…

- Lá tía tô rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng rồi vớt ra, để ráo nước, dùng như rau sống.

- Cháo lá tía tô: Lá tía tô rửa sạch, thái chỉ nhỏ rồi trộn chung với cháo trắng gạo tẻ, ăn khi còn nóng. Cách làm này giúp thoát mồ hôi ra ngoài, giải cảm nhanh.

- Có thể dùng lá tía tô tươi như một loại gia vị để thêm vào một số món ăn như cháo, các món canh từ cà chua, cà tím, đậu phụ…

- Uống nước tía tô: Tía tô tươi 15 - 20 g giã nát, chế nước sôi gạn nước trong để uống.

- Trà tía tô: Lá tía tô rửa sạch, phơi khô hoặc có thể thêm vào nước lá tía tô ít đường phèn, đun sôi, lọc phần nước để nguội và bổ sung thêm nước cốt chanh rồi sử dụng.

- Tắm hoặc xông rửa: Cành và lá tía tô tươi, thái nhỏ, rửa sạch ngâm vào nước sôi trong khoảng 15 phút. Hòa cùng với nước lạnh đến độ ấm vừa đủ tắm khoảng 4 lần/tuần.

Theo Thanh niên