1. Cách nhận biết hẹp hậu môn ở trẻ

Trẻ bị hẹp hậu môn và một số bất thường ở vùng hậu môn trực tràng sẽ có các biểu hiện:

  • Không có lỗ hậu môn;
  • Lỗ hậu môn ở sai vị trí;
  • Trẻ không đi ngoài phân su trong 24-48 giờ sau sinh;
  • Bụng trẻ bị chướng căng;
  • Trẻ thải phân ra ngoài theo cách bất thường, như phân ra ngoài qua niệu đạo, âm đạo, bìu hoặc gốc dương vật. Biểu hiện này có thể nhận biết bằng cách thấy trong nước tiểu có lẫn phân…
  • Rò hậu môn;
  • Nhiễm trùng hậu môn...
Thuốc nào dùng trong điều trị hẹp hậu môn ở trẻ?- Ảnh 1.

Hẹp hậu môn ở trẻ dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe... (ảnh minh họa).

Hẹp hậu môn ảnh hưởng đến khả năng đại tiện của trẻ và dẫn đến các vấn đề khác như:

  • Khó đại tiện, dễ bị táo bón và cảm thấy khó chịu bởi lỗ hậu môn hẹp.
  • Khi có lỗ rò hậu môn, phân sẽ thoát ra ngoài qua lỗ rò và dễ dẫn đến nhiễm trùng.
  • Phân sẽ bị ứ lại trong ruột và dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

2. Các phương pháp điều trị hẹp hậu môn ở trẻ

Tùy nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp hậu môn ở trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:

- Chế độ ăn uống: Những trường hợp bị hẹp hậu môn nhẹ, người bệnh cần có chế độ ăn nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan vào chế độ ăn uống để làm mềm phân, cải thiện hiệu quả tình trạng táo bón. Uống nhiều nước hằng ngày cũng là một biện pháp cần thiết và quan trọng để hạn chế tình trạng táo bón.

- Uống thuốc nhuận tràng: Trường hợp hậu môn bị hẹp từ nhẹ đến trung bình có thể dùng thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng để cải thiện kết cấu phân, giúp đại tiện dễ dàng hơn.

- Tiêm steroid hoặc botox: Tiêm steroid vào mô sẹo ở những trường hợp hậu môn bị hẹp do sẹo co rút nhằm mục đích làm giảm nguy cơ hẹp hậu môn. Một số trường hợp cần tiêm botox để hỗ trợ co thắt của cơ vòng hậu môn.

- Phẫu thuật: Đối với tình trạng hẹp hậu môn hoặc bất kỳ vấn đề dị tật nào ở vùng hậu môn trực tràng cũng cần được điều trị bằng phẫu thuật. Mục tiêu của phương pháp này là giúp hậu môn của trẻ trở lại vị trí bình thường, đồng thời sửa chữa các dị tật bất thường bên trong.

Phương pháp phẫu thuật hẹp hậu môn có thể được chỉ định bao gồm:

- Cắt cơ vòng/cơ thắt trong để giảm trương lực cơ và điều trị các vết nứt hậu môn.

- Phẫu thuật nối hậu môn với ruột là phương pháp dùng cho các trường hợp ruột không nối liền với hậu môn. Bác sĩ sẽ cắt bỏ phần ruột không có lối ra và nối lại với phần ruột có lối ra để tạo thành một đường thông suốt cho phân.

- Phẫu thuật tái tạo hậu môn là phương pháp dùng cho các trường hợp đường ruột và đường tiểu thông nối với nhau. Bác sĩ sẽ cắt bỏ cơ vòng và tái tạo mô cơ vòng. Sau đó đặt hậu môn nhân tạo tạm thời hoặc vĩnh viễn, hoặc cắt tạo vạt để chuyển hậu môn đến đúng vị trí.

- Tạo hậu môn giả là phương pháp dùng cho các trường hợp không thể tạo được lỗ hậu môn thật. Bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ nhỏ trên thành bụng để cho phân thải ra một túi bên ngoài cơ thể. Hằng ngày phải vệ sinh túi này và thay đổi thường xuyên.

- Nong hậu môn là một trong những bước tiếp theo sau phẫu thuật. Đây cũng là phương pháp điều trị chính cho người bệnh bị hẹp nhẹ lỗ hậu môn do sinh lý hoặc hẹp cơ vòng. Phương pháp này sẽ dùng một ống nhỏ chuyên dụng để giãn rộng lỗ hậu môn, giúp cho phân dễ đi qua và ngăn ngừa sự co lại của cơ vòng.

- Phẫu thuật vá lỗ rò, là cách điều trị cuối cùng khi các cách khác không hiệu quả. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần ruột có lỗ rò và khâu lại để ngăn chặn sự thoát ra của phân.

Sau phẫu thuật, để tránh nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề khác phát sinh, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để đảm bảo quá trình hồi phục tốt.

Thuốc nào dùng trong điều trị hẹp hậu môn ở trẻ?- Ảnh 3.

Phẫu thuật là phương pháp thường được sử dụng đối với tình trạng hẹp hậu môn ở trẻ.

3. Lưu ý khi điều trị hẹp hậu môn ở trẻ

Đối với trẻ có hậu môn hẹp, lỗ hậu môn thấp có thể chỉ cần phẫu thuật một lần. Phẫu thuật này thường đơn giản và giúp mở rộng hậu môn.

Với trường hợp dị tật không có hậu môn hoặc trẻ có trực tràng nối với bàng quang, âm đạo… thì cần sử dụng phương pháp phẫu thuật phức tạp hơn, phải thực hiện nhiều lần và không thể thực hiện ngay sau sinh. Thay vào đó, trẻ cần lớn lên một chút trước khi phẫu thuật.

Trong thời gian đợi trẻ đủ cân nặng, đủ tháng để phẫu thuật, bác sĩ thường chọn cách mổ thông qua da tạm thời, nhằm giúp trẻ đưa phân ra ngoài. Đây là phẫu thuật từ ruột già để tạo hậu môn giả trên thành bụng, giúp phân thải ra một túi bên ngoài cơ thể. Khi trẻ đã sẵn sàng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật xử lý đóng các lỗ rò và tạo hậu môn ở đúng vị trí.

Thuốc nào dùng trong điều trị hẹp hậu môn ở trẻ?- Ảnh 4.

Có thể cần sử dụng một số thuốc nhuận tràng để giúp trẻ đại tiện dễ dàng hơn...

Sau phẫu thuật, trẻ sẽ được thăm khám định kỳ theo lịch hẹn để phát hiện sớm các biến chứng có thể gặp phải. Đặc biệt trong năm đầu tiên sau phẫu thuật, trẻ phải tái khám đầy đủ, đúng lịch để đánh giá các tình trạng:

  • Chảy máu tự phát hoặc chảy máu sau đại tiện;
  • Vết thương nhiễm trùng;
  • Tốc độ phục hồi vết thương;
  • Đại tiện không tự chủ...

Chăm sóc trẻ sau điều trị phẫu thuật

Hầu hết tình trạng hẹp hậu môn có thể được khắc phục thành công sau phẫu thuật. Tuy nhiên, trẻ có thể gặp phải các tình trạng táo bón, đại tiện không tự chủ và khó kiểm soát nhu động ruột.

Để khắc phục tình trạng này cần chú ý:

  • Cho trẻ bổ sung đủ chất xơ trong bữa ăn hằng ngày.
  • Khi cần thiết thì cho trẻ dùng thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng...
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, trẻ lớn hơn thì hướng dẫn vận động thường xuyên để kích thích ruột hoạt động.

Theo suckhoedoisong.vn