Các thuốc trị rối loạn sử dụng rượu
Rối loạn sử dụng rượu là thuật ngữ chỉ một người không thể kiểm soát được lượng rượu uống vào, thậm chí cả khi biết tác hại của rượu. Các triệu chứng rối loạn sử dụng rượu bao gồm các triệu chứng: Thèm rượu, uống rượu mỗi khi rảnh, dành quá nhiều thời gian vào việc uống rượu, không kiểm soát được lượng rượu uống vào, cần uống rượu tăng lên để cảm nhận tác dụng của rượu, có triệu chứng cai (buồn nôn, đổ mồ hôi, run rẩy…) khi không uống rượu…
Nếu không được điều trị sớm, rối loạn sử dụng rượu có thể gây bệnh ở gan, thận, não, tim mạch, mắt, tiêu hóa, gia tăng bệnh đái tháo đường, biến chứng thần kinh, ung thư, thậm chí hôn mê và tử vong…
Hiện có 3 loại thuốc được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị chứng rối loạn sử dụng rượu:
- Naltrexone: Ngăn chặn các thụ thể trong não có vai trò gây thèm rượu và cảm giác thích thú do uống rượu;
- Acamprosate: Giúp giảm cảm giác thèm ăn và các triệu chứng cai nghiện khi ngừng uống rượu;
- Disulfiram: Giảm cảm giác buồn nôn và các triệu chứng khó chịu khác khi uống rượu.
Ngoài ra, thuốc topiramate - một thuốc chống co giật, đôi khi vẫn được dùng cho tình trạng rối loạn sử dụng rượu mặc dù không được chấp thuận cho tình trạng này. Tuy thuốc topiramate hiệu quả hơn các loại thuốc được FDA phê duyệt, nhưng lại có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho hay, các phương pháp điều trị hiện tại không hiệu quả đối với tất cả những người bị rối loạn sử dụng rượu. Do đó, vẫn cần có thêm những loại thuốc hiệu quả hơn, được dung nạp tốt hơn để điều trị chứng rối loạn sử dụng rượu.
Tiềm năng từ thuốc tim mạch?
Thuốc spironolactone, một loại thuốc tim mạch, thường được kê đơn để giảm tích nước ở bệnh nhân suy tim. Nghiên cứu với quy mô nhỏ trước đây đã cho thấy hiệu quả của spironolactone trong việc giảm lượng rượu ở những người có thói quen uống rượu.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Mỹ đã so sánh thói quen uống rượu giữa gần 11.000 bệnh nhân được kê đơn thuốc tim mạch spironolactone và hơn 34.000 bệnh nhân không được kê đơn loại thuốc tim mạch này. Kết quả cho thấy, sau 18 tháng, những người dùng spironolactone đã giảm mức tiêu thụ rượu nhiều hơn so với những người không sử dụng loại thuốc này. Sự giảm uống rượu rõ rệt nhất ở những người dùng spironolactone liều cao nhất và ở những người nghiện rượu nặng.
Các chuyên gia cho hay, thuốc spironolactone được coi là an toàn. Có thể gặp một số tác dụng phụ như: Chóng mặt, huyết áp thấp, mức kali cao… Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu về việc sử dụng loại thuốc tim mạch này đối với chứng rối loạn sử dụng rượu chưa nhận thấy các tác dụng phụ, nếu có chỉ xảy ra ở những người nghiện rượu nặng.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc sử dụng thuốc spironolactone vẫn cần được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ từ các bác sĩ chuyên khoa.
Theo suckhoedoisong.vn