1. Triệu chứng của viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã với biểu hiện vùng da bị nổi đỏ viêm sưng, có các mảng hồng ban tróc vảy li ti, có thể kèm theo lớp da sừng, màu trắng ở vùng da có nhiều dầu như trán, mũi má, chân mày, râu, trước và sau tai, trước ngực hay trên da đầu kèm theo triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

Bệnh xảy do quá trình tái tạo da bị rút ngắn, vùng thượng bì tái tạo nhanh hơn bình thường, dẫn đến các lớp vảy bong tróc ra. Có nhiều lý do có thể dẫn đến quá trình này, nhưng nguyên nhân chính là nấm Malassezia hay vi khuẩn P. Acne, làm viêm nhiễm dẫn đến các lớp da thượng bì bị kích thích kèm theo bệnh nhân bị yếu hệ miễn dịch, dẫn đến khả năng phục hồi chậm khiếm nấm và vi khuẩn có điều kiện phát triển. 

Viêm da tiết bã có triệu chứng xảy ra từ từ, bắt đầu bằng vùng da có nhiều dầu bị viêm nổi đỏ. Ban đầu không thấy ngứa nhưng trường hợp nặng có thể bị ngứa nhiều.

Viêm da tiết bã – triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 1.

Viêm da tiết bã thường xuất hiện vùng da có nhiều dầu như trán, mũi má, chân mày, râu...

Vùng da bị viêm sau đó có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên người. Các lớp vảy sần màu xám trắng theo thời gian không chữa có thể dày hơn, do bị bệnh nhân gãi ngứa, lâu dài dẫn đến viêm nhiễm và sẹo. 

Ở vùng ngực hay lưng, viêm da tiết bã có thể có hình dáng như đồng xu, vòng tròn, hay nhìn đường viền, đôi khi dễ bị lầm với các bệnh nấm da khác. Ở vùng sau tai và kẽ tai chạy theo chân tóc hay vìa râu, nơi có tuyến dầu nhiều, bệnh nhân có thể có các vảy da dính màu trắng. Các vùng nếp gấp khác trên cơ thể như nách, bẹn, kẽ mông, nếp dưới vú, vẫn có thể bị viêm sưng. Đôi khi các viêm này có thể kèm theo viêm da cơ địa. 

Ở vùng tóc, các bong vảy có thể nho li ti tạo thành gàu trên da đầu. Nhìn kỹ vùng da bên dưới sẽ thấy sưng đỏ hay viêm sưng lỗ chân lông. 

2. Điều trị viêm da tiết bã như thế nào?

Cách chữa trị viêm da tiết bã tùy vào nguyên nhân gây bệnh, vị trí da bị viêm và mức độ nặng nhẹ. Nếu bệnh nhân có các bệnh lý nền như lupus/vảy nến/parkinson... khi điều trị các bệnh này ổn định cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng da.

Điều trị viêm da tiết bã thường kết hợp các loại thuốc sau:

- Kem làm bong vảy acid salicylic: Acid salicylic có tác dụng làm tróc mạnh lớp sừng da và sát khuẩn nhẹ khi bôi trên da. Acid salicylic làm mềm và phá hủy lớp sừng bằng cách hydrat hóa nội sinh, có thể do làm giảm pH, làm cho lớp biểu mô bị sừng hóa phồng lên, sau đó bong tróc ra.

Môi trường ẩm là yếu tố thuận lợi để acid salicylic có tác dụng làm bong tróc mô biểu bì. Nhờ tác dụng làm bong lớp sừng ngăn chặn nấm phát triển, thuốc còn giúp cho các thuốc chống nấm thấm vào da và diệt nấm tốt hơn. Khi phối hợp acid salicylic và lưu huỳnh có tác dụng hợp lực làm tróc lớp sừng.

Không dùng acid salicylic đường toàn thân, vì tác dụng kích ứng rất mạnh trên niêm mạc tiêu hóa và các mô khác.

- Urea: Urea có đặc tính kháng viêm, giúp làm dịu vết thương nhanh chóng. Trong lĩnh vực da liễu, Urea được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý như vảy nến, viêm da dị ứng, mụn thịt, viêm da tiết bã… nhằm mục đích tăng độ ẩm cho da, tiêu hủy chất sừng, làm bong các tế bào da chết.

- Acid lactic: Thuốc bôi ngoài da acid salicylic được dùng phổ biến trong phác đồ chữa viêm da tiết bã nhằm loại bỏ lớp vảy sừng trắng ngoài da do viêm da dầu gây nên.

Ngoài các thuốc trên, còn kèm theo kem kháng nấm như ketoconazole hay ciclopirox để chữa viêm da tiết bã do nấm Malassezia. Kem steroid loại nhẹ có thể dùng kèm với kem kháng nấm và kem làm bong vảy để giảm ngứa. Đôi khi kem ức chế calcineurin như tacrolimus có thể dùng thay thế kem steroid nếu bệnh nhân có những tác dụng phụ với steroid. 

Viêm da tiết bã – triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 3.

Viêm da tiết bã làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, dễ tái phát nên bệnh nhân có thể bị stress...

Với trẻ em và người lớn có viêm da tiết bã trên đầu, bác sĩ có thể kê toa dầu gội đặc trị kháng nấm ketoconazole. Cách đơn giản nhất là dùng gội trực tiếp lên vùng da bị viêm, chà cho đều và làm tróc dần các vảy sừng. Bác sĩ cũng có thể kê đơn dầu gội có chứa steroid để giảm viêm ngứa. Trường hợp bệnh nặng, sẽ cần dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch hay thuốc kháng nấm, kết hợp với kháng sinh hoặc liệu pháp ánh sáng để điều trị. 

Do bệnh gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, lại dễ tái phát, nên bệnh nhân có thể bị stress. Do đó ngoài dùng thuốc điều trị bệnh, có thể cần kết hợp với liệu pháp tâm lý. Việc tập thể dục thường xuyên cũng như kết hợp các biện pháp chăm sóc da phù hợp sẽ làm làn da khỏe mạnh, tăng cường máu lưu thông đến vùng da bị viêm cũng giúp hỗ trợ điều trị bệnh. Vệ sinh da sạch sẽ, làm sạch sâu lỗ chân lông cũng giúp giảm rủi ro bị viêm tái phát. 

Nhìn chung, điều trị viêm da tiết bã cần kiên trì và tuân thủ theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc về thoa, vì có thể dùng sai thuốc khiến bệnh không khỏi mà còn nặng hơn.

Theo suckhoedoisong.vn