1. Triệu chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn

Viêm họng do liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở cổ họng do vi khuẩn gây ra. Mặc dù nhiều loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng cổ họng, nhưng phổ biến nhất là Streptococcus.

Các triệu chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn phát triển từ 1 đến 4 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Các triệu chứng đặc trưng nhất là đau họng và nuốt đau.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Ớn lạnh và sốt
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Xuất hiện đỏ và sưng bên trong cổ họng
  • Có thể nhìn thấy các mảng hoặc đốm màu trắng hoặc vàng giống mủ ở cổ họng và trên amidan
  • Nhức đầu, buồn nôn và nôn cũng có thể xuất hiện
  • Đau tai
  • Đau nhức toàn thân.

2. Các biến chứng nguy hiểm của viêm họng do liên cầu khuẩn

Các biến chứng tiềm ẩn của viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị bao gồm viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não, bệnh thận và sốt thấp khớp. Trong số này, sốt thấp khớp và viêm thận là đáng quan tâm nhất.

2.1 Sốt thấp khớp

Sốt thấp khớp là một biến chứng nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa được của viêm họng do liên cầu khuẩn. Viêm họng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến vi khuẩn còn sót lại trong amidan, nơi chúng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công nhầm các bộ phận khác của cơ thể.

Phản ứng miễn dịch này có thể gây viêm não, tim, khớp và da. Đây là bệnh sốt thấp khớp và thường xảy ra từ 2 đến 4 tuần sau khi bị nhiễm trùng.

Hậu quả nghiêm trọng nhất của sốt thấp khớp là tình trạng viêm ảnh hưởng đến tim có thể gây sẹo ở van tim, cần phải phẫu thuật thay van tim. Chẩn đoán và điều trị kịp thời viêm họng có thể ngăn ngừa sốt thấp khớp.

2.2 Viêm thận

Phản ứng của hệ thống miễn dịch của một người đối với nhiễm trùng liên cầu khuẩn cũng có thể gây viêm thận.

Nó thường xảy ra từ 1 đến 3 tuần sau khi bị nhiễm trùng và thường tự khỏi trong vòng vài ngày mà không gây ra tổn thương thận lâu dài. Trẻ em có nguy cơ cao nhất phát triển tình trạng này sau khi bị nhiễm trùng. Các triệu chứng có thể bao gồm tiểu ra máu, sưng mắt cá chân và sưng húp mắt.

Việc chẩn đoán viêm họng do liên cầu khuẩn rất quan trọng vì bắt đầu điều trị bằng kháng sinh trong vòng 48 giờ sẽ làm giảm thời gian xuất hiện các triệu chứng, giảm nguy cơ sốt thấp khớp và bệnh thận, đồng thời giảm nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác.

Viêm họng do liên cầu khuẩn - nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trị - Ảnh 3.

Khi nghi ngờ bị viêm họng do liên cầu khuẩn cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, tránh việc dùng thuốc tùy tiện.

3. Thuốc điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn

Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn vì chúng ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, giảm nguy cơ lây lan sang các vùng khác của cơ thể và giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Các yếu tố cần xem xét khi lựa chọn kháng sinh bao gồm độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh, tình trạng dị ứng của bệnh nhân.

Có rất nhiều loại thuốc kháng sinh được sử dụng trong điều trị viêm họng liên cầu khuẩn. Thường được sử dụng nhất là penicillin hoặc amoxicillin. Các loại kháng sinh khác được sử dụng để điều trị là azithromycin, cephalosporin, clarithromycin và clindamycin.

Những người bị viêm họng do liên cầu khuẩn có thể không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh nếu các triệu chứng nhẹ và không có khả năng lây nhiễm sang người khác. Thay vào đó, việc điều trị có thể nhằm mục đích giảm triệu chứng vì nhiễm trùng có thể tự khỏi trong vài ngày.

Giảm triệu chứng đau họng có thể bằng cách súc miệng nước muối (pha nửa thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm) và ngậm viên ngậm họng có chứa các thành phần làm mát, gây tê, chống nhiễm trùng hoặc chống viêm.

Nếu bị sốt có thể sử dụng paracetamol để hạ sốt.

4. Lưu ý khi dùng thuốc

Nếu được kê đơn điều trị bằng kháng sinh người bệnh phải hoàn thành liệu trình đầy đủ, ngay cả khi các triệu chứng thuyên giảm chỉ sau 2 đến 3 ngày, để đảm bảo rằng nhiễm trùng không tái phát và giảm thiểu nguy cơ phát triển biến chứng sốt thấp khớp và viêm thận.

Khi uống thuốc kháng sinh có thể gặp phải một số tác dụng phụ thường nhẹ, bao gồm: Đau bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

5. Phòng ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn

Một phần quan trọng của việc kiểm soát viêm họng là ngăn chặn sự lây lan sang những người khác. Các bước đơn giản để giúp ngăn ngừa sự lây lan, bao gồm:

- Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi hắt hơi hoặc ho

- Rửa tay thường xuyên

- Tránh tiếp xúc thân thể gần gũi, không ôm hôn và đảm bảo không gian giữa trẻ khi ngủ.

- Không dùng chung thức ăn, chất lỏng, dụng cụ ăn uống với người bị bệnh...

Theo suckhoedoisong.vn